Thứ Sáu, 17/04/2020 07:10

28 địa phương 'cách ly xã hội' đến 22.4

Thông báo kết luận của Thủ tướng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu số tỉnh, TP phải thực hiện Chỉ thị 16 (có nội dung chính là cách ly xã hội) đến ngày 22.4 là 28 địa phương chứ không chỉ 12 địa phương nhóm 1 - nhóm nguy cơ cao.

28 địa phương 'cách ly xã hội' đến 22.4
Nhân viên y tế quét máy camera ảnh nhiệt để đo nhiệt độ tại chốt kiểm soát dịch trên cầu Đồng Nai.
Ảnh: Bích Ngân

Hôm qua (16.4), Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15.4 về phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của thông báo này là việc Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Theo đó, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, TP (xem bảng) sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30.4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu các địa phương này đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Hà Tĩnh phạt hành chính 7 linh mục để giáo dân dự lễ đông người

Trong 15 ngày đầu thực hiện việc cách ly xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã phạt hành chính 52 trường hợp không đeo khẩu trang, xử lý 4 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Covid-19, cảnh cáo 2 trường hợp xuyên tạc về suất ăn ở khu cách ly. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã phạt hành chính 7 linh mục từ 5 - 7,5 triệu đồng/người và nhắc nhở 1 linh mục do để giáo dân dự lễ đông người tại nhà thờ ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, vào các ngày 4 - 5.4.

P.Đức

Đối với nhóm địa phương “có nguy cơ” gồm 16 tỉnh, TP (xem bảng) được yêu cầu cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 22.4 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22.4 tùy diễn biến dịch bệnh.

Như vậy, thông báo kết luận đã yêu cầu số tỉnh, TP phải thực hiện Chỉ thị 16 (nội dung chính là cách ly xã hội) đến ngày 22.4 là 28 địa phương chứ không chỉ 12 địa phương nhóm 1 - nhóm nguy cơ cao. Còn lại 35 địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg.

Hà Nội kỳ vọng tuần này sẽ kiểm soát được dịch

Chiều 16.4, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi giám đốc các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị về việc thực hiện cách ly trên địa bàn. Theo văn bản này, trước mắt, Hà Nội sẽ kéo dài giãn cách xã hội đến hết 22.4. Hà Nội cũng không điều chỉnh chính sách gì so với hiện tại.

Nơi duy trì, nơi “củng cố”

Ngay sau khi Chính phủ thông báo Bình Thuận nằm trong nhóm nguy cơ cao, UBND tỉnh này đã có thông báo yêu cầu giữ nguyên việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; duy trì các chốt kiểm dịch đầu ra, vào trên QL1 và các chốt do huyện kiểm soát giáp ranh các tỉnh. Sở GTVT Bình Thuận cũng có thông báo duy trì việc tạm dừng các tuyến xe khách nội tỉnh và liên tỉnh, kể cả tuyến vận tải khách từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý và ngược lại cho đến khi có thông báo mới.

Tại Đà Nẵng, UBND TP có thêm công văn về việc tiếp tục dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn TP. Xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện thí điểm trên địa bàn TP cũng tiếp tục dừng hoạt động. Đà Nẵng cũng dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam, Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế và ngược lại; dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn.

Q.Hà - N.Tú

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiếp tục duy trì 30 chốt liên ngành kiểm tra việc ra vào TP; phun khử khuẩn các phương tiện; đo thân nhiệt đối với người ra vào TP để kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt tất cả trường hợp không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông Chung không nhắc gì tới việc xử phạt người ra đường không đúng mục đích, thay vào đó yêu cầu “tăng cường truyền thông đến người dân về diễn biến của dịch bệnh để có ý thức chủ động phòng ngừa”.

Thực hiện chỉ thị 15 (35 địa phương còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp)

Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người; được quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa...

Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn tập trung vào lấy mẫu và xét nghiệm để khoanh vùng ổ dịch, trong đó kéo sự tham gia của hiệu thuốc và các cơ sở khám chữa bệnh vào (thấy bất cứ ai có biểu hiện ho, sốt phải báo đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm). Lãnh đạo Hà Nội kỳ vọng tuần này sẽ kiểm soát được dịch.

Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ông Chung cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho phương tiện chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng đi lại; một số công trình đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn được triển khai xây dựng và Hà Nội đang hoàn thiện hướng dẫn về sản xuất an toàn để các doanh nghiệp có thể đối chiếu vào đó áp dụng, hướng tới phục hồi sản xuất kinh doanh…

Lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho khách tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Độc Lập

TP.HCM “thà cách ly nhiều còn hơn bỏ sót”

Ngày 16.4, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội quý 1 và thảo luận nhiệm vụ quý 2, hội nghị dành nhiều thời gian để đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP bởi theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nếu không chống dịch thành công thì các nhiệm vụ khác sẽ không thể thực hiện như kế hoạch. Trong thời gian tới, TP tiếp tục áp dụng nguyên tắc kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ, khu vực sân bay, nhà ga. Một trong những bài học của TP là khi phát hiện ca nhiễm, phải khoanh vùng cách ly người thuộc F1, F2 trên nguyên tắc “thà cách ly nhiều còn hơn bỏ sót” nên đã kiểm soát được dịch bệnh.

Thực hiện Chỉ thị 16 (Cách ly xã hội đến ngày 22.4)

Nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, TP:

Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh (Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30.4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh).

“Có nguy cơ” gồm 16 tỉnh, TP:

Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang (Thực hiện hết ngày 22.4 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22.4 tùy diễn biến dịch bệnh).

Trong quý 1/2020, GRDP của TP tăng trưởng ở mức 0,42%, các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp giảm, hơn 1.500 doanh nghiệp giải thể khiến nhiều người lao động mất việc làm. Dù vậy, lĩnh vực sản xuất các mặt hàng gắn với doanh nghiệp nước ngoài về xuất khẩu và công nghiệp vẫn được duy trì; trong đó xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung vào hàng điện tử và máy tính. Dẫn những số liệu này, ông Nhân cho biết kinh tế TP vẫn được duy trì cùng với số ca nhiễm đang được kéo giảm là tiền đề để TP đưa đời sống kinh tế xã hội dần quay trở về trạng thái bình thường; TP vẫn có thể có ca nhiễm nhưng kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.

Để chuẩn bị phương án khôi phục kinh tế, ông Nhân yêu cầu từng ngành nghề, doanh nghiệp, cơ quan phải có bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch. “Đối với những lĩnh vực tập trung đông người, cũng cần có lộ trình mở ra. Đặc biệt, ngành dịch vụ phải có lộ trình tăng dần trong 3 tháng về quy mô cũ hoặc quy mô tối đa”, ông Nhân nhấn mạnh. Từ nay đến giữa tháng 5, TP vận dụng các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn. Nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai để không xảy ra tình trạng người dân cùng cực mà làm sai quy định pháp luật; đồng thời áp dụng biện pháp nghiệp vụ giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

Nguồn: Tổng hợp. Đồ họa: Hồng Sơn

Vũ Hân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   TP HCM chuẩn bị khôi phục kinh tế - xã hội (16/04/2020)

>   Chính phủ lại đề nghị chưa sửa luật Đất đai trong năm 2020 (16/04/2020)

>   Cảnh báo 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (16/04/2020)

>   Giá điện sẽ được giảm 10% từ kỳ ghi hóa đơn tháng 5 (16/04/2020)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo (16/04/2020)

>   Đề nghị công khai thương nhân đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo (16/04/2020)

>   Bộ Công Thương xin ý kiến về đề nghị cho phép xuất khẩu gạo nếp (16/04/2020)

>   Tăng gấp 3 số chuyến bay Hà Nội - TP HCM từ ngày mai 16-4 (15/04/2020)

>   Cần Thơ kiến nghị ưu tiên giải quyết lượng gạo xuất khẩu đang 'kẹt' tại cảng (15/04/2020)

>   12 tỉnh, thành sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội (15/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật