Giảm giá điện, giảm gánh nặng cho hàng triệu người mất thu nhập
Ngoài các khu vực cách ly tập trung, viện xét nghiệm, bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân Covid-19, Tập đoàn điện lực VN (EVN) nên miễn, giảm giá điện cho người dân.
Chuyên gia khuyến nghị nên giảm giá điện cho dân nghèo trước. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Không nên khoanh vùng đối tượng hỗ trợ
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên ĐH Fulbright VN, hoan nghênh tinh thần tương trợ của EVN trong việc đề xuất miễn, giảm giá điện cho các đối tượng nêu trên. Tuy nhiên theo ông Tuấn, trong bối cảnh dịch bệnh đang bước vào giai đoạn cực kỳ phức tạp, việc hàng vạn, hàng triệu người dân bị giảm thu nhập là điều ai cũng thấy rõ. Do đó, bên cạnh các đối tượng được đề xuất, EVN nên mạnh dạn hơn trong chính sách hỗ trợ, mở rộng đối tượng với mức miễn, giảm khác nhau, căn cứ vào tính lũy tiến trong biểu giá điện.
TP.HCM miễn tiền nước cho hộ nghèo, cận nghèo
Chiều 31.3, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chính thức thông báo thực hiện miễn tiền sử dụng nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 (trừ khu cách ly trên địa bàn H.Củ Chi do khu vực này đang được Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp nước) trong 3 kỳ (tháng), từ kỳ 4 đến kỳ 6 năm 2020.
Theo Sawaco, chính sách này là hoạt động chung tay cùng chính quyền TP.HCM đảm bảo an sinh xã hội, đồng hành cùng người dân ứng phó dịch Covid-19.
TP.HCM hiện còn khoảng 3.700 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% và khoảng 22.000 hộ cận nghèo, chiếm 1,15% dân số TP.
|
Phân tích rõ hơn đề nghị của mình, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chỉ rõ: “Hiện nay việc tính giá điện cho các hộ gia đình được chia thành nhiều bậc, trong đó đối tượng sử dụng điện ít nhất, hưởng mức giá thành ở bậc thấp nhất chính là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh bùng phát, đối tượng này chịu tác động mạnh nhất về thu nhập nên cần được hưởng chế độ ưu đãi lớn nhất trong những khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ngược lại, càng sử dụng nhiều điện, càng lên bậc cao là những gia đình có điều kiện kinh tế tốt. Tuy họ cũng không nằm ngoài tác động của dịch bệnh nhưng chi phí cho điện, nước cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống. Vì thế, về nguyên tắc, đối tượng ở ngưỡng tiêu dùng điện thấp nhất nên được miễn, giảm nhiều nhất, sau đó chia dần theo từng bậc.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhấn mạnh: “Cách đây 1 tháng, tôi đã có ý kiến ngành điện và ngành nước phải nghiên cứu giảm giá điện, nước cho dân chứ không thể như người ngoài cuộc được. Từ đầu tháng 2 tức là sau Tết Nguyên đán, học sinh sinh viên nghỉ ở nhà, chúng ta lại dạy con cháu thường xuyên rửa tay, cách 15 - 20 phút rửa, như vậy, tiền nước tăng là có rồi. Nay dịch bệnh kéo dài, người dân ở nhà nhiều hơn, phải mở ti vi để nghe ngóng thông tin dịch bệnh từ Chính phủ, Bộ Y tế... rồi nhu cầu sử dụng điện, quạt tăng thêm. Nên nếu đã gọi đồng hành cùng Chính phủ, EVN nên tính toán phương án giảm giá điện ngay từ tháng 2 và áp dụng từ tháng 3 mới đúng. Bây giờ đã có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và ổn định an sinh xã hội rồi, EVN nên thêm một bước nữa là hỗ trợ giảm giá điện cho dân thường và DN chứ không nên khoanh vùng chỉ giảm tiền điện cho khu cách ly, bệnh viện, viện nghiên cứu. Giảm kiểu đó là chưa thể hiện đúng bản chất chia sẻ, đồng hành với người dân!”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đồng tình về đối tượng hỗ trợ chi phí điện, nước nên được mở rộng thêm cho những người dân nghèo, người lao động thu nhập thấp.
Giảm giá điện bắt đầu từ... nhà nghèo
Có hai cách giảm giá điện, nước hỗ trợ dân trong mùa dịch thiết thực nhất, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân là giảm trực tiếp trên hóa đơn hằng tháng. Ví dụ giảm 50% cho hóa đơn điện các hộ sử dụng điện ít nhất dưới 200 kWh/tháng. PGS-TS Trần Hoàng Ngân giải thích: “Đây là đối tượng sử dụng điện ít, nhu cầu không nhiều, đa số là hộ nghèo. Giảm cho đối tượng sử dụng điện ít cũng là hình thức khuyến khích tiết kiệm điện. Thứ hai phải giảm điện cho DN sản xuất. Hiện tại, sản xuất của DN đa số đã giảm hoặc thậm chí ngưng hẳn, các khu vui chơi giải trí cũng ngưng. DN đang khó khăn trăm bề, nên có chính sách giảm giá điện cho sản xuất như hình thức chia sẻ của nhà nước mà đại diện là EVN mới hợp tình, hợp lý. Chính sách giảm giá điện có thể theo từng tháng, bắt đầu từ tháng 3”. Đó là chưa kể đối tượng sử dụng 50 -100 kWh điện/tháng hiện rơi vào nhóm ở trọ, lao động phổ thông, bán vé số, bán hàng rong... là phổ biến. Họ kiếm ăn từng bữa nhưng nay Thủ tướng chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”, vé số không còn phát hành nữa... thì khó khăn của họ càng chồng chất.
Hoàn toàn trong khả năng của EVN
TS Trần Văn Bình, Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, bình luận: EVN tuy là một DN nhưng xưa nay ai cũng hiểu là đại diện nhà nước để gánh trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn quốc gia. Đại dịch toàn cầu cũng coi như dạng thiên tai, ngành điện phải bảo đảm đủ điện cho dân sinh hoạt. Giá cả thực phẩm cũng được các bộ ngành “ghìm cương”, mục đích bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người dân. Đạo lý của DN là không vì mục đích lợi nhuận trong thiên tai khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch. Giảm chi tiêu cho dân lúc này là thực tế nhất và là trách nhiệm của DN nhà nước, và EVN hoàn toàn trong khả năng mình để làm được.
|
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn góp ý, đơn cử đối với những hộ gia đình sử dụng điện ở bậc 1 thì được giảm 75% giá điện, nhóm tiếp theo giảm 50%, tiếp theo nữa giảm 25%... Đối với những gia đình sử dụng nhiều điện, thu nhập cao, ngưỡng tiêu dùng ở bậc cao thì không cần giảm. Số tiền này để bù chéo cho khoản thất thu mà EVN đã giảm cho người nghèo vì nếu giảm đều tất cả thì EVN không tránh khỏi tình trạng khánh kiệt, dù sao họ cũng là một DN.
“Đối với các cơ sở kinh doanh, vị này cho rằng cũng chia theo nhóm đối tượng. DN vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngưng hoạt động thì có thể xem xét miễn tiền điện vì họ đã không còn doanh thu, không còn khả năng chi trả. Các DN còn có thể sản xuất, kinh doanh thì tùy EVN đánh giá mức độ thiệt hại để giảm theo tỷ lệ phần trăm tương ứng. Đối với các DN lớn, khả năng cầm cự cao có thể áp dụng chính sách giảm theo tính chất lũy thoái: giảm giá những số đầu, không giảm những số sau để khuyến khích DN tiết kiệm điện”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý EVN chỉ là một DN, việc đề xuất miễn, giảm cho các đối tượng khách hàng đặc biệt là họ đang thực hiện theo nghĩa vụ xã hội, mang tính chất “tùy tâm”, giảm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. “Các chính sách về an sinh xã hội, đảm bảo hỗ trợ cho đời sống người dân mà để DN thực hiện thì không chuẩn lắm. Việc này là trách nhiệm của nhà nước. Chính phủ nên ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt, tính toán dùng ngân sách nhà nước để đảm bảo cuộc sống của mọi đối tượng người dân trong mùa dịch”, ông Dũng đề xuất.
Hà Mai
Thanh niên
|