Ba kịch bản cho doanh nghiệp trong đại dịch
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng trước diễn biến thay đổi rất nhanh của dịch bệnh Covid-19, chủ doanh nghiệp cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó.
Trao đổi với chúng tôi trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn quyết định, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó. Tuy nhiên, mỗi loại hình, quy mô doanh nghiệp, với lĩnh vực hoạt động và đối tượng khách hàng khác nhau có vấn đề riêng.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: NVCC.
|
Tự tìm kiếm con đường tồn tại
- Covid-19 đang tác động sâu rộng đến hầu hết ngành kinh doanh. Theo ông, giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp nên nghĩ đến là gì?
- Mỗi doanh nghiệp phải tự tìm kiếm con đường tồn tại. Phương châm cơ bản là giảm định phí, chuyển định phí thành biến phí và quản trị rủi ro. Khi đó, doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí, tối ưu bộ máy quản trị, tinh gọn quy trình và nhân lực, đồng thời đàm phán với nhà cung cấp và chuỗi phân phối để chia sẻ rủi ro.
Trong vấn đề lao động và tiền lương, doanh nghiệp nên thực hiện theo trình tự: ngưng tuyển dụng lao động mới, giảm và giãn ca sản xuất, cắt giảm các vị trí ít quan trọng và giảm thu nhập. Thông thường, vị trí có thu nhập cao sẽ bị giảm nhiều hơn.
Hiện nay, số doanh nghiệp nghĩ đến bài toán phát triển có nhưng không nhiều, bởi phải tồn tại mới phát triển được. Người chủ doanh nghiệp cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với các diễn biến thay đổi rất nhanh của dịch bệnh và môi trường kinh doanh.
- Theo ông, đâu là những kịch bản cơ bản nhất doanh nghiệp cần xét đến?
- Kịch bản đầu tiên là văn phòng, nhà máy... bị phong tỏa. Khi đó, nhân viên có tiếp tục làm việc không; hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ ra sao; bảo đảm nguồn cung cho sản xuất cũng như giữ thị phần như thế nào? Hầu hết doanh nghiệp hiện nay lựa chọn phương án tăng dự trữ tồn kho nguyên liệu, chia sẻ địa điểm sản xuất kinh doanh, chia nhỏ ca kíp và làm việc tại nhà.
Kịch bản thứ hai, nếu nguồn cung hoặc thị trường đầu ra bị phong tỏa thì doanh nghiệp có chuyển đổi nguồn cung và thị trường không, ảnh hưởng giá thành như thế nào, điều chỉnh quy mô sản xuất ra sao? Hay doanh nghiệp chuyển sang trạng thái ngủ đông?
Kịch bản thứ ba, trong trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp thực sự phá sản, người chủ phải xử lý các vấn đề gì? Thậm chí, khi địa phương chỉ đạo tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp sẽ giải quyết bài toán nhân viên, mặt bằng và các chi phí khác ra sao, áp dụng các chính sách của Chính phủ như thế nào?
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tính đến kịch bản hậu Covid-19. Chính phủ đã chủ trương kích thích kinh tế phát triển nhanh sau khi dịch bệnh qua đi, thì bản thân từng doanh nghiệp cũng phải đánh giá đâu là cơ hội để thúc đẩy sớm. Một điều dễ nhận thấy nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và số hóa, các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này.
- Nói đến hậu Covid-19, ông nghĩ sao về vấn đề "ngân sách kép" khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp vừa đương đầu với bài toán phục hồi, vừa phải lo chi trả các khoản nợ, thuế, BHXH... đã được giãn nộp?
- Khi bị dồn vào đường cùng thì người ta chỉ tìm cách sống sót qua ngày. Chủ trương giãn nợ, thuế, BHXH hay các chi phí khác của Chính phủ rất cần thiết, bởi đó là sự chia sẻ gánh nặng và rủi ro trong ngắn hạn với doanh nghiệp. Rủi ro hậu Covid-19 liên quan đến chuyện "ngân sách kép" chắc chắn có, nhưng phải chấp nhận.
Tuy nhiên, việc thanh toán sau này cần có lộ trình phù hợp. Ví dụ, theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính, thời gian chậm nộp thuế GTGT (trừ hình thức nhập khẩu) và thuế TNDN tối đa 5 tháng và đảm bảo nộp trong năm 2020.
Dưới góc độ của Bộ, chính sách này không ảnh hưởng đến tổng nguồn thu ngân sách quốc gia năm 2020, nhưng làm sao biết tháng 12 đã hết dịch hay chưa, doanh nghiệp có phục hồi kịp không, lấy tiền đâu để nộp? Do vậy, không nên áp đặt thời gian cụ thể mà cần đưa ra lộ trình hoàn trả khả thi hơn.
Mặc dù vậy, rõ ràng, doanh nghiệp nào không có tiềm lực mạnh và hiệu quả kinh doanh cao thì đến khi hết dịch sẽ không thể chịu nổi áp lực "ngân sách kép". Khủng hoảng sau dịch Covid-19 là sự sàng lọc khốc liệt, tái sắp xếp thị phần, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực và doanh nghiệp có hiệu quả bền vững.
Do đó, mỗi doanh nghiệp phải cân đối kịch bản ngắn hạn và dài hơi để vừa tồn tại vừa chuẩn bị cho sự phát triển hậu Covid-19.
Doanh nghiệp phải cân đối kịch bản ngắn hạn và dài hơi để vừa tồn tại vừa chuẩn bị cho sự phát triển hậu Covid-19. Ảnh: Việt Linh.
|
Cần sự chia sẻ
- Nói như vậy, doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh?
- Không hẳn. Nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là hợp tác, tin cậy và chia sẻ. Khi có tình huống xảy ra, các bên cùng bàn bạc một cách thiện chí, chứ bên này chết thì bên kia cũng chẳng có ích lợi gì.
Lấy ví dụ câu chuyện mặt bằng. Những người sở hữu mặt bằng thấy đối tác kinh doanh không tốt thì có thể giảm giá mặt bằng, để doanh nghiệp "ngủ đông" thì cũng có "chỗ" ngủ đông vẫn tốt hơn để mặt bằng trống.
Giả sử tôi có nhà cho thuê, thu 10 triệu đồng/tháng, nếu giờ khách bỏ đi thì không ai đến thuê lúc này. Trong khi đó, tôi giảm giá thuê còn 5 triệu đồng thì tôi cũng vớt vát được phần nào, còn khách giảm được chi phí nên sẵn sàng ở lại, như vậy cả hai cùng có lợi. Nếu tôi đánh giá quá trình hợp tác diễn ra nhiều năm qua đáng tin cậy, tôi còn có thể hỗ trợ nhiều hơn, bởi tìm kiếm đối tác mới bao giờ cũng khó và rủi ro hơn.
Ở nhiều doanh nghiệp, người lao động đồng ý giảm hơn 50% lương, cắt thưởng, trợ cấp hoặc nợ lương để san sẻ gánh nặng. Bỏ qua câu chuyện tình nghĩa thì trong bối cảnh hiện tại, người lao động nếu bỏ đi cũng khó tìm công việc khác.
Đặc biệt, trong vấn đề tài chính, ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp, với khách hàng là các doanh nghiệp đối tác. Nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng lao đao, do vậy ngân hàng phải cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Khi đó, ngân hàng lại cần đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Như vậy, trong chuỗi giá trị chung mà các bên cùng có lợi, chia sẻ chính là từ khóa để thành công. Điều này cũng đúng trong mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
- Vậy ông có đề xuất gì để Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn?
- Tôi và các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội rất đồng tình với các định hướng và chủ trương của Chính phủ, rất mong các Bộ, ngành khi tham mưu cho Chính phủ sẽ thực sự thấu hiểu, coi doanh nghiệp là những "người lính tuyến đầu” trên "mặt trận" kinh tế đang rất cần tiếp sức.
Trên cơ sở đó, các chính sách nhanh chóng được triển khai, dễ dàng tiếp nhận, đồng thời khả thi và đủ thời lượng để doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển sau Covid-19. Thực tế, ở nước ta, các chủ trương chính sách đều rất tốt nhưng thiếu cụ thể, minh bạch, chậm hướng dẫn chi tiết, từ đó nảy sinh tiêu cực và cơ chế “xin - cho”. Chính sách trong bối cảnh cấp bách hiện nay cần khắc phục các điểm yếu này.
Cụ thể, gói cứu trợ cắt giảm lãi suất, giãn nợ của Ngân hàng Nhà nước hiện đã được nhiều ngân hàng thương mại triển khai, nhưng quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp cần ưu tiên giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi với các khoản đã vay chứ không chỉ các khoản vay mới. Các gói giãn thuế, BHXH, kinh phí công đoàn chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục và điều kiện áp dụng cũng sẽ là rào cản đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của chính quyền để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng chưa nhìn thấy sự hỗ trợ. Trước mắt Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vấn đề mặt bằng và lao động. Đến nay, chỉ có TP.HCM đã thông qua quyết định sử dụng 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 600.000 người lao động mất việc do dịch Covid-19.
Giữa lúc khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chung tay với cả nước, trích lợi nhuận, quỹ lương nhân viên để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn được chia sẻ rủi ro, trách nhiệm và cơ hội trong tương lai để cùng tồn tại và phát triển.
Lan Anh
Zing.vn
|