Đưa thịt heo về đúng giá: Cần quyết liệt hơn!
Thực hiện khuyến nghị của Chính phủ, từ ngày 1-4, nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đã giảm giá heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng khấp khởi mừng, hy vọng giá thịt heo sẽ "mềm" hơn nhưng hơn 1 tuần nay, giá bán lẻ thịt heo tại thị trường TP HCM vẫn "một mình một chợ" như không có liên hệ gì với giá heo hơi. Tại một số chợ lẻ, giá thịt đùi vẫn dao động ở mức 140.000 đồng - 150.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 170.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Khách đi chợ cò kè hỏi giá, một số tiểu thương cho rằng không thể giảm bởi giá thu mua đầu vào vẫn như cũ, làm sao giảm giá bán ra được. Tại các siêu thị, bảng giá thịt heo vẫn y nguyên như trước: khoảng 180.000 đồng - 220.000 đồng/kg thịt ba rọi, 140.000 đồng/kg thịt đùi; khác chăng là một số siêu thị luân phiên giảm giá 15% - 20% đối với một số mặt hàng thịt heo để thu hút khách hàng.
Lý giải vì sao chưa giảm giá thịt heo bán lẻ, một số DN sản xuất, cung ứng thịt heo nêu lý do là nguồn cung heo hơi hiện không đủ cho thị trường, DN không mua được heo hơi đúng giá 70.000 đồng/kg mà phải trả mức 74.000 đồng - 75.000 đồng/kg heo hơi. Một lý do khác, tuy không nói ra nhưng việc các quán ăn, quán nhậu, karaoke… đóng cửa vì dịch Covid-19 cũng đã góp phần giữ giá thịt heo. Bởi trước đây, heo sau khi giết mổ thì những phụ phẩm như đầu lòng, tiết… được bán cho các hàng quán; nay những nơi này không hoặc giảm mua. Khoản thu bị hụt từ phụ phẩm mặc nhiên được cộng vào giá thành thịt heo.
Nhưng, tác nhân quan trọng nhất khiến giá thịt heo vẫn đứng yên tại chỗ là do con heo sau khi xuất chuồng qua quá nhiều tầng nấc trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng khiến việc kiểm soát, quản lý giá gặp nhiều khó khăn. Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính để kéo giá heo hơi xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg nhưng các cơ quan quản lý không kiểm soát được những trang trại nào đang bán heo đúng giá quy định và các trang trại này chiếm bao nhiêu % thị phần, đang chi phối thị trường hay không. Có chăng, cơ quan quản lý chỉ nắm được số liệu có bao nhiêu con heo từ các trang trại đó được bán ra; riêng số lượng heo tồn trong chuồng trại thì khó mà biết được.
Ở đầu ra, hiện các trang trại lớn đã chiếm trên 50% thị phần cung ứng thịt heo cho TP HCM và hoàn toàn chi phối thị trường. Câu hỏi đặt ra là nếu trang trại đang bán đúng giá niêm yết là 70.000 đồng/kg, vì sao các DN sản xuất, giết mổ không mua được heo đúng giá? Con heo sau khi xuất chuồng đã qua những khâu nào, mỗi khâu làm đội giá bao nhiêu %?
Theo TS Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, muốn kiểm soát giá thịt heo cần phải làm song song chiến lược 2 đầu: ngay tại cửa chuồng và đầu ra bán lẻ. Hiện giá tại cửa chuồng đã giảm, việc còn lại là làm sao kiểm soát được nguồn cung, lượng heo cung ứng ra thị trường (bao gồm cả thịt heo đông lạnh) để từ đó kiểm soát, bình ổn giá và cân đối cung cầu thị trường. TP HCM đã có đề án lập sàn giao dịch thịt heo nhưng việc xây dựng đề án còn quá chậm so với nhu cầu thực tiễn. "Khi con heo được quản lý chặt từ lúc mới sinh ra đến lúc xuất chuồng, đường đi từ chuồng đến cơ sở giết mổ, phân phối qua sàn giao dịch thịt heo sẽ giúp mọi chủ thể là người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương lái bán buôn, người tiêu dùng có sân chơi công bằng hơn; khắc phục được tình trạng thương lái trung gian chi phối thị trường, chất lượng lẫn giá cả thịt heo vốn tồn tại rất nhiều năm nay. Bởi, khi hoạt động qua sàn, nhà sản xuất và thị trường sẽ kết nối trực tiếp với nhau, mọi thông tin về hàng hóa, giao dịch được cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch. Có như vậy, người tiêu dùng mới có cơ hội được tiêu dùng thịt heo đúng giá, đúng chất lượng như mong muốn" - TS Hòa nói.
Thanh Nhân
Người Lao động
|