Giá thịt đến người tiêu dùng chênh lệch với giá gốc gấp 2-3 lần
Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Giá thịt lợn bán lẻ tại chợ đắt là do quá nhiều khâu trung gian. Bộ Công Thương lại cho rằng: Do khan hiếm.
Người dân phải mua thực phẩm với giá đắt. Ảnh: Kh.V
|
"Choáng" với mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán
Thực tế hiện nay đang tồn tại một nghịch lý: Giá thịt lợn và thịt gà (có thể còn nhiều loại thịt gia súc, gia cầm khác-PV) đang chênh lệch giữa giá mua tại chuồng và bán cho người tiêu dùng tăng gấp đôi (thịt lợn) và gấp 3 lần (thịt gà).
“Với mức chênh lệch tối thiểu là 10.000 đồng/kg thịt lợn, chỉ một ngày chợ, bán 1 con lợn 100kg tiểu thương đã có thể thu lãi ít nhất 1 triệu đồng. Nếu mua tận gốc và bán tận ngọn, mức lãi này còn cao hơn nhiều” – ông Nguyễn Văn Bảy – một tiểu thương từng thu mua lợn về giết mổ để bán, nay đã “giải nghệ”, cho biết.
Cũng theo ông Bảy, nếu trực tiếp mua từ các trang trại, tự giết mổ và bán trực tiếp, mỗi con lợn 100kg, sau khi giết mổ, trừ các thứ bỏ đi như lông, phân, huyết và các phụ phẩm, còn lại khoảng 55-60kg thịt gồm cả nạc và mỡ. Trung bình mỗi kg thịt lợn (chỉ tính thịt nạc và mỡ) có thể thu lãi bình quân khoảng 50.000 đồng.
“Như vậy, một con lợn hơi 100kg mua tận gốc với giá 70.000 đồng/kg, bán tới tay người ăn với giá 140.000 đồng/kg (55kgx50.000 đồng chênh lệch), đã cho mức lãi 2.750.000 đồng. Còn nếu mua qua nhiều cấp đại lý, cũng cho mức lãi khoảng 1.200.000-1.500.000 đồng” - ông Bảy phân tích thêm.
Với thịt gà công nghiệp, mức chênh lệch giá mua và bán còn "khủng" hơn.
Theo ông Lê Phương Hải – chủ trang trại chăn nuôi gà tại Đồng Nai: Giá gà tại trại 9.000 đồng/kg, vận chuyển về nhà máy giết mổ mất 1.000 đồng/kg, tiền công giết mổ và đóng gói hết 3.000 đồng/kg. Sau khi bỏ lòng, bỏ lông còn 0,9kg thịt gà, nếu bỏ đầu thì còn 0,7kg. Tính ra giá thành chỉ 18.500 đồng/kg thịt gà. Vậy mà dân đang phải mua 50.000 đồng/kg thậm chí 60.000 đồng/kg, mức chênh lệch lên tới gấp 3 lần.
Ảnh: Kh.V
|
Thương lái được "vỗ béo"
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng: Đối với nguồn cung thịt lợn, cần thực hiện song song 2 nội dung, gồm: Một là tái đàn lợn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Hai là, nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.
Ông Tuấn cũng khẳng định, các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục giảm giá bán lợn hơi và tăng số lượng bán ra thị trường vì với mức giá thành sản xuất như hiện nay thì giá bán lợn hơi 70.000đ/kg là quá cao. Các doanh nghiệp chăn nuôi phải thực hiện việc giảm giá bán đúng như cam kết với Chính phủ.
Để giảm tối đa khâu trung gian, cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung, đồng thời phải nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn.
“Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; hạn chế tối đa việc thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới’- ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương cũng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để kéo giá thịt bán lẻ trên thị trường gần với giá xuất chuồng. Còn Bộ NNPTNT cũng chỉ dừng lại ở mức kêu gọi giảm giá hoặc "giải cứu" khi giá gia súc, gia cầm (và nhiều nông sản khác) quá cao hoặc quá thấp.
Dù rất nỗ lực, nhưng mọi giải pháp của cả hai bộ đều chưa giảm được khoảng cách của giá bán buôn và bán lẻ. Như vậy, trong thời gian tới, người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải ăn thịt giá đắt, và người chăn nuôi vẫn tiếp tục thua lỗ.
Chưa kể, việc "thả nổi" giá bán lẻ sẽ tạo cơ hội để thương lái thu lãi "khủng".
Khánh Vũ
Lao Động
|