Dầu WTI vọt gần 32%/tuần nhờ hy vọng OPEC cắt giảm sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (03/04), với dầu WTI vọt gần 32% trong tuần qua, được thúc đẩy bởi hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng và chấm dứt cuộc chiến giá dầu tàn khốc giữa Nga và Ả-rập Xê-út, MarketWatch đưa tin.
“Sự hỗ trợ được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy ý tưởng về một liên minh lớn của các nhà sản xuất dầu với Nga, Ả-rập Xê-út và thậm chí có thể cả Mỹ cùng nhau cắt giảm sản lượng để đối phó với nhu cầu sụt giảm vì dịch COVID-19”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex tiến 3.02 USD (tương đương 11.9%) lên 28.34 USD/thùng sau khi vọt 24.7% trong ngày thứ Năm (02/04). Tuần qua, hợp đồng này đã bứt phá 31.8% – đánh dấu tuần tăng mạnh kỷ lục, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 4.17 USD (tương đương 13.9%) lên 34.11 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 22%.
Dầu nhảy vọt trong ngày thứ Năm (02/04), với cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận phiên tăng mạnh kỷ lục, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ả-rập Xê-út và Nga dự kiến cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng đến 15 triệu thùng, chấm dứt cuộc chiến giá dầu đã khiến dầu WTI rớt xuống đáy 18 năm hồi tháng trước, khi dầu “bốc hơi” hơn 60% trong quý đầu năm.
Ả-rập Xê-út, Nga và các nhà sản xuất chủ chốt khác đã thảo luận về việc cắt giảm ít nhất 6 triệu thùng/ngày trong một cuộc họp hôm thứ Hai (30/03), Wall Street Journal đưa tin.
Một báo cáo từ Bloomberg đã dẫn lời một đại biểu của OPEC, nói rằng việc cắt giảm 10 triệu thùng dầu là có thật.
Các chuyên gia phân tích cho biết yêu cầu cắt giảm này ít nhất sẽ làm chậm dòng nguồn cung dầu thô không cần thiết đang làm căng thẳng cơ sở hạ tầng dự trữ khi nhu cầu sụt giảm vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Ông Trump cho biết ông cũng sẽ gặp Giám đốc điều hành các Công ty dầu khí lớn của Mỹ, cuộc gặp này được Wall Street Journal đưa tin diễn ra trong ngày thứ Sáu. “Chúng tôi không muốn mất đi những công ty dầu mỏ vĩ đại của mình”, ông Trump nói.
“Có lẽ trở ngại rõ ràng nhất đối với việc cắt giảm sản lượng là tiền đề sự tham gia của Mỹ, điều này phức tạp hơn nhiều so với các nước với Tập đoàn dầu mỏ quốc gia như Aramco của Ả-rập Xê-út”, ông Fraser nhận định. “Mỹ có hàng chục nhà sản xuất dầu lớn và hàng trăm nhà khai thác độc lập nhỏ hơn, và không rõ liệu khung pháp lý của Mỹ có cho phép sự phối hợp bắt buộc giữa các nhà sản xuất đó để hỗ trợ giá hay không”.
Tuy nhiên, sản lượng tại Mỹ có thể sẽ giảm trong những tuần tới, khi một số dữ liệu cho thấy điều này. Cụ thể, dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ mất 62 giàn còn 562 giàn trong tuần này, sau khi giảm 40 giàn trong tuần trước.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 4.4% lên 69.16 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 vọt 7.6% lên 1.0706 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 tăng gần 4.5% lên 1.621 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|