Dầu WTI vọt gần 25% khi ông Trump kỳ vọng Ả-rập Xê-út và Nga cắt giảm sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Năm (02/04), với dầu WTI vọt gần 25% khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng ông kỳ vọng Ả-rập Xê-út và Nga sẽ đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng đáng kể, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu cũng đã khởi sắc nhờ triển vọng sản lượng dầu thô tại Mỹ sụt giảm sau khi Công ty khai thác và sản xuất năng lượng Whiting Petroleum Corp nộp đơn xin phá sản hôm thứ Tư (01/04) và từ một báo cáo cho thấy Trung Quốc đang xây dựng kho dự trữ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex vọt 5.01 USD (tương đương 24.7%) lên 25.32 USD/thùng sau khi chạm đỉnh trong phiên là 27.39 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 5.20 USD (tương đương 21%) lên 29.94 USD/thùng.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều đánh dấu phiên tăng mạnh kỷ lục, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Ông Trump tweet trong ngày thứ Năm rằng ông kỳ vọng vào “sự cắt giảm khoảng 10 triệu thùng, và có thể hơn thế nữa”. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tweet thêm cắt giảm còn có thể cao tới 15 triệu thùng.
“Nếu thật sự Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đồng ý cắt giảm mức sản lượng như đã đề cập, sự mất cân bằng thị trường sẽ được xóa bớt và hỗ trợ giá dầu đáng kể”, Manish Raj, Giám đốc Tài chính tại Velandera Energy, nhận định. “Tuy nhiên, sự hoài nghi vẫn còn trên thị trường về việc liệu động thái cắt giảm nói trên có thực sự được thực hiện hay không”.
Hãng tin Sputnik đưa tin người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã bác bỏ tuyên bố của ông Trump về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Hoàng tử Ả-rập Xê-út. “Không. Không có cuộc trao đổi nào như vậy”, ông Peskov nói khi được hỏi liệu ông Putin có cuộc điện đàm với Hoàng tử bin Salman hay không, hãng tin này cho hay.
Trong khi đó, Cơ quan thông tấn chính thức của Ả-rập Xê-út, Saudi Press Agency, tweet rằng Vương quốc này đã kêu gọi một cuộc họp “khẩn cấp” của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh “với mục đích đạt được một giải pháp cân bằng để khôi phục lại cân bằng thị trường dầu mỏ”.
Vào ngày thứ Năm, Ủy viên Đường sắt Texas, Ryan Sitton, tweet rằng ông đã trao đổi với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và cho biết cả 2 đồng ý rằng đại dịch COVID-19 đòi hỏi mức độ hợp tác quốc tế chưa từng có và “thảo luận về việc cắt giảm 10 triệu thùng nguồn cung toàn cầu”.
Quý đầu năm 2020 chứng kiến các thị trường tài chính chao đảo, với dầu đặc biệt chịu thiệt hại bởi cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út khiến thị trường dư cung, trong khi nhu cầu sụt giảm vì sự bùng phát COVID-19.
Bloomberg News đưa tin rằng Trung Quốc đang tận dụng lợi thế giá dầu thấp để xây dựng kho dự trữ. Báo cáo này cho hay Trung Quốc có thể mua thêm 100 triệu thùng dầu trong thời gian còn lại của năm.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 5 vọt 21.3% lên 66.28 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 cộng 6.7% lên 99.51 xu/gallon.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên suy giảm trong ngày thứ Năm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên giảm 19 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 27/03/2020, thấp hơn so với dự báo sụt 25 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 mất 2.2% còn 1.552 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|