Dầu WTI sụt gần 25% xuống dưới mốc 13 USD/thùng
Các hợp đồng dầu WTI tương lai sụt gần 25% vào ngày thứ Hai (27/04), khi những lo ngại về sự khan hiếm kho chứa đã khiến hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 rớt xuống mức thấp kỷ lục thứ 2, MarketWatch đưa tin.
“Thanh khoản ở thị trường hợp đồng dầu WTI tương lai cũng vẫn là một vấn đề với Quỹ Dầu khí Mỹ (USO), vốn đang chuyển sang các hợp đồng hoãn lại sau thảm họa với hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 đã hết hạn hồi tuần trước ở mức âm”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nhận định.
USO cho biết trong ngày thứ Hai sẽ cắt giảm lượng nắm giữ các hợp đồng dầu tương lai trong những tháng cụ thể. Hiện Quỹ này nắm giữ 30% số hợp đồng dầu WTI tương lai.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex “bốc hơi” 4.16 USD (tương đương 24.6%) còn 12.78 USD/thùng, mức đóng cửa thấp thứ 2 của hợp đồng giao tháng 6 sau mức đóng cửa 11.57 USD/thùng ghi nhận vào ngày 21/04, dựa trên dữ liệu từ tháng 11/2011.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn sụt 1.45 USD (tương đương 6.8%) xuống 19.99 USD/thùng. Đà sụt giảm của cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đã chấm dứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp để khép lại giao dịch biến động trong tuần trước.
Sự sụp đổ của dầu xảy ra khi thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất chủ chốt khác đã không thể dập tắt những lo ngại về tình trạng dư cung và số lượng kho lưu trữ bị thu hẹp. Giá các hợp đồng dầu cao hơn trong những tháng sau đó cũng đã khuyến khích lưu trữ thêm dầu thô và khuếch đại áp lực lên giá dầu.
OPEC cùng với các đồng minh, bao gồm Nga, tạo thành nhóm được gọi là OPEC+, dự kiến bắt đầu cắt giảm 9.7 triệu thùng/ngày, tương đương 13% sản lượng toàn cầu, từ ngày 01/05 cho đến tháng 06/2020, nhưng điều này được các chuyên gia xem là không giải quyết được tình trạng dư cung tồi tệ trên toàn cầu.
Góp phần vào các vấn đề của dầu thô là cú sốc về nhu cầu từ sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã đưa các nền kinh tế trên toàn cầu vào tình trạng bế tắc, mang đến một cú đấm mạnh đối với các nhà sản xuất dầu trên thế giới.
Theo nhiều báo cáo, các quốc gia bao gồm Kuwait cũng đã bắt đầu cắt giảm sản lượng trước ngày bắt đầu thỏa thuận cắt giảm 01/05.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục đóng cửa các giàn khoan dầu. Dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu (24/04) cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 60 giàn xuống 378 giàn trong tuần trước, cho thấy khả năng sụt giảm thêm sản lượng dầu nội địa.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 5 lùi gần 2% xuống 64.83 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 rớt 5.6% xuống 61.04 xu/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 vọt 4.2% lên 1.819 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|