Dầu tăng 3 phiên liền, nhưng dầu WTI vẫn lao dốc hơn 32% trong tuần qua
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (24/04), tuy nhiên giá dầu WTI vẫn sụt hơn 32% trong tuần qua, khi nhà đầu tư hàng hóa cố gắng suy nghĩ cẩn trọng về đà sụt giảm lịch sử của giá dầu vì các vấn đề dư cung và không gian lưu trữ thu hẹp, MarketWatch đưa tin.
Sau khi hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 hiện đã hết hạn rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, nghĩa là người bán phải trả tiền cho người mua để đưa dầu đi, những người tham gia thị trường đã rất khó khăn để quản lý sự biến động chưa từng có.
“Bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào của giá dầu cũng khó có thể kéo dài sau sự biến động đã chứng kiến hồi đầu tuần này”, Lukman Otunuga, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Đà suy yếu của dầu dự kiến vẫn là chủ đề chính trong quý 2/2020 do nhu cầu giảm mạnh, lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng toàn cầu và sự thiếu hụt không gian lưu trữ”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex tiến 44 xu (tương đương 2.7%) lên 16.94 USD/thùng, nhưng đã dao động tại mức thấp 15.64 USD/thùng trong phiên qua đêm. Hôm thứ Năm (23/04), hợp đồng này đã vọt gần 20%.
Đà tăng trong ngày thứ Sáu đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp của dầu – chuỗi tăng dài nhất kể từ ngày 25/03/2020.
Bất chấp đà tăng vượt trội, dầu WTI vẫn sụt 32.3% trong tuần qua, dựa trên hợp đồng giao tháng 6, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong lịch sử, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 11 xu (tương đương 0.5%) lên 21.44 USD/thùng, sau khi tăng 4.7% trong ngày thứ Năm (23/04). Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 23.7%.
Một số nhà sản xuất tại Mỹ đang cắt giảm sản lượng, trong khi những người tham gia khác cho biết họ sẽ nhắm đến việc cắt giảm sản lượng trước thời hạn ngày 01/05 thực thi cắt giảm toàn cầu theo thỏa thuận lịch sử của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là nhóm OPEC+.
Chẳng hạn, Kuwait hôm thứ Năm (23/04) cho biết sẽ xem xét cắt giảm sản lượng sớm, Reuters đưa tin.
Trong khi đó, Continental Resources, một công ty sản xuất dầu đá phiến được thành lập bởi ông trùm dầu mỏ Harold Hamm, cho hay đã ngừng tất cả hoạt động khai thác và đóng cửa hầu hết các giếng khoan tại các mỏ đá phiến Bakken ở Bắc Dakota, Reuters đưa tin từ nguồn tin thân cận với Công ty.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 60 giàn xuống 378 giàn trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ 6 liên tiếp và cho thấy khả năng sản lượng dầu nội địa tiếp tục sụt giảm.
Những động thái này diễn ra một ngày sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) hạ triển vọng giá dầu thô xuống bình quân 35 USD/thùng trong năm 2020, thấp hơn so với năm 2019, do tình trạng dư cung.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 5 vọt 2.7% lên 66.12 xu/gallon, nhưng vẫn sụt 7% trong tuần qua. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 rớt 12% xuống 64.67 xu/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 32.4%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 mất 3.8% còn 1.746 USD/MMBtu và giảm 0.4% trong tuần qua.
An Trần
FILI
|