Thứ Tư, 01/04/2020 14:30

Con tàu kinh tế thế giới sẽ đỗ ở ga nào?

Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế cùng chung nhận định kinh tế thế giới sẽ suy giảm nhưng giảm đến mức nào thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Kinh tế thế giới sẽ đi về đâu trong đại dịch covid-19?

Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Thương mại đầu tư trì trệ, các chuỗi sản xuất bị gián đoạn, thị trường tài chính tiền tệ chao đảo, thị trường hàng hóa quốc tế biến động liên tục... Các nền kinh chủ chốt chịu tác động tiêu cực với các mức độ khác nhau và đang đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng và hỗ trợ giảm thiệt hại của dịch.

Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 2/3 đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn khoảng 2,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức đưa ra hồi tháng 11/2019. Dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngày 27/3/2020, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố nền kinh tế thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái tiền tệ tương đương hoặc thậm chí trầm trọng hơn so với năm 2009.

Bên cạnh tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao tại nhiều nền kinh tế chủ chốt khiến dư địa can thiệp tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế có thể gặp trở ngại. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo dịch COVID-19 có thể khiến 25 triệu lao động bị mất việc làm, thu nhập bị mất đi khoảng 3,4 nghìn tỷ USD.

Rủi ro xảy ra khủng hoảng toàn cầu cũng như tại các nền kinh tế chủ chốt đều đã được đề cập tới.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Đại học Chicago, hầu hết các chuyên gia kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều dự đoán có thể sẽ xảy ra một đợt suy thoái do đại dịch COVID-19. IMF ngày 27/3 cảnh báo dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.

Một số đầu tàu giảm tốc

Về kinh tế Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp diễn xấu đi nhanh chóng kèm với các giải pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Mỹ đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Sản lượng tăng chậm do cầu giảm. Chỉ số IHS Markit PMI của Mỹ giảm từ 51,9 điểm vào tháng 1/2020 xuống còn 50,7 vào tháng 2/2020. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ cũng giảm mạnh xuống 49,4 vào tháng 2/2020 so với mức 53,4 vào đầu năm. Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987 (gần 30%).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp đưa ra những gói kích thích kinh tế chưa từng có (giảm lãi suất hai lần liên tiếp trong nửa đầu tháng 3 xuống còn còn mức 0-0,25%, hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0% và tung ra gói nới lỏng định lượng mới trị giá 700 tỷ USD). Mỹ cũng đã thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội. Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của Mỹ có thể ở mức âm trong quý I hoặc chỉ đạt mức 0,7%.

Khu vực châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lĩnh vực sản xuất ô tô đặc biệt dễ bị tổn thương do gián đoạn chuỗi cung ứng. Chi tiêu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do thiệt hại của các công ty bán lẻ của châu Âu tại thị trường Trung Quốc và sự suy giảm của khách du lịch Trung Quốc.

Một loạt nước đã thực hiện phong tỏa, đóng cửa biên giới, đóng cửa các trường học và hạn chế hoạt động của các cơ sở công cộng. Đồng thời, nhiều nước áp dụng chính sách tài khóa nhằm giảm nhẹ thiệt hại và hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng quý I/2020 của Pháp dự báo giảm xuống còn 0,1% và tăng trưởng cả năm chỉ có thể đạt khoảng 0,7%, thay vì mức 1,3% được đề ra trước đó.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã áp dụng nới lỏng tiền tệ thông qua gói tín dụng giá rẻ cho các ngân hàng thương mại (LTRO) nhằm hỗ trợ cho hệ thống tài chính của Eurozone. Ngoài ra, ECB dự kiến bổ sung thêm 120 tỷ euro (135 tỷ USD) cho chương trình mua tài sản trong năm 2020 bên cạnh khoản 20 tỷ euro/tháng 3.

Kinh tế Nhật Bản đang có nguy cơ cao rơi vào suy thoái. Thâm hụt thương mại lên đến 1,3 tỷ yen trong tháng 1/2020, tăng mạnh so với mức 0,15 tỷ yen trong tháng 12/2019 do xuất khẩu giảm. Ngày 11/3/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 9,6 tỷ USD để ứng phó với dịch COVID-19, trong đó một nửa được dùng để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kinh tế Hàn Quốc vừa có dấu hiệu phục hồi nhưng có nguy cơ gặp rủi ro do dịch COVID-19. Xuất khẩu tháng 02/2020 giảm, chỉ đạt 41,2 tỷ USD so với mức 43,3 tỷ USD trong tháng 01/2020. Thất nghiệp tăng mạnh nhất trong 6 tháng gần đây lên mức 4%. Ngày 3/3/2020, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ đưa 25 tỷ USD trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế để giải quyết tình hình.

Kinh tế Trung Quốc giữa tháng 3 khi tình hình dịch bệnh đã giảm và sản xuất đã bắt đầu hoạt động trở lại ở những vùng có dịch. Ảnh hưởng của dịch tới kinh tế Trung Quốc là tương đối lớn và có tính lan tỏa do Trung Quốc đang là nguồn cung ứng cho nhiều ngành trên thế giới. So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 13,5% trong hai tháng đầu năm 2020. Tổng xuất nhập khẩu giảm 9,6%, trong đó xuất khẩu giảm 15,9% và nhập khẩu giảm 2,4%.

Giá cả giảm mạnh

Giá hàng hóa trên thế giới có xu hướng giảm do cầu tiêu dùng giảm. Giá nguyên liệu thô giảm do Trung Quốc giảm nhu cầu vì sản xuất chưa phục hồi hoàn toàn. Giá kim loại đồng giảm mạnh 9% trong hai tuần đầu tháng 2/2020, giá thực phẩm thế giới giảm lần đầu tiên vào tháng 2/2020.

Giá dầu giảm mạnh, do nguồn cung dầu từ Saudi Arabia và UAE gia tăng sau khi không đạt được thỏa thuận với Nga về cắt giảm sản lượng; tác động bởi thị trường chứng khoán suy giảm; cầu về dầu giảm do hạn chế đi lại toàn cầu. OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ đạt trung bình 29,3 triệu thùng/ngày.

Tuần đầu (9/3) giá vàng đã lên cao, vượt mức 1.700 USD, tuy nhiên sau đó lại giảm. Ngày 13/3, giá vàng thế giới giảm mạnh khi giới đầu tư bán vàng ồ ạt để tích trữ tiền mặt hay buộc phải đóng lệnh ở mức thua lỗ nhất định trên các thị trường đang bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Dòng vốn FDI toàn cầu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch. Tác động kinh tế của COVID-19 sẽ không đồng đều, trong đó những tác động gây ra bởi cú sốc cầu tiêu cực tập trung ở những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh và những tác động do ngừng sản xuất và gián đoạn chuỗi cung ứng tập trung tại các nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc như Hàn Quốc và Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài cả năm 2020, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu có thể giảm xuống từ 5-15%, tập trung ở những nước bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch.

Báo Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Khối doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh sau thời gian khủng hoảng (01/04/2020)

>   Nhật Bản: Chỉ số lòng tin của các nhà chế tạo lớn rơi vào vùng âm (01/04/2020)

>   Hàng không chuyển máy bay sang chở hàng (01/04/2020)

>   Thế giới vào giai đoạn quyết liệt (01/04/2020)

>   GM dưới áp lực 'sản xuất máy thở' của Trump (31/03/2020)

>   WB dự báo dịch COVID-19 tác động mạnh đến kinh tế châu Á (31/03/2020)

>   Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì Covid-19 (31/03/2020)

>   Bức tranh toàn cảnh thế giới quý I năm 2020 (31/03/2020)

>   Hàn Quốc phát hiện thêm một cụm dịch giáo phái (31/03/2020)

>   Người Mỹ vật lộn với núi hóa đơn (30/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật