Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì Covid-19
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng hoặc chỉ đạt 2,3% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19.
* Trung Quốc hạ lãi suất, bơm 7 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng
* Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngân hàng kích thích nền kinh tế
* Trung Quốc bơm thêm tiền cứu kinh tế
Một nhà máy sản xuất ắc quy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. AFP
|
Hãng AFP ngày 31.3 đưa tin Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì đại dịch Covid-19, trong khi Đông Á có thể có thêm 11 triệu người nghèo.
“Đại dịch đang gây ra cú sốc chưa từng có trên toàn cầu nên có thể khiến kinh tế khu vực ngừng tăng trưởng và gia tăng tình trạng nghèo đói”, chuyên gia kinh tế Aaditya Mattoo phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới dự báo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo về tác động của Covid-19 ở Đông Á – Thái Bình Dương, cho dù trong viễn cảnh khả quan nhất, mức tăng trưởng kinh tế tại khu vực này sẽ sụt giảm mạnh, trong đó kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 2,3% sau khi đạt 6,1% trong năm ngoái.
Chỉ 2 tháng trước, các chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay có thể đạt 5,9% - mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Báo cáo mới nhất đưa ra dự báo xấu hơn dựa trên hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sụt giảm mức kỷ lục trong tháng 2.
Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc, có thể có mức tăng trưởng 1,3% - 2,8%, so với mức 5,8% trong năm ngoái.
“Đại dịch đang ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế trong khu vực, nhưng với mức độ và thời gian khó đoán một cách bất thường”, báo cáo nhận định và lưu ý rằng khu vực này trước đó đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Mỹ.
Việc khống chế đại dịch sẽ giúp kinh tế phục hồi, nhưng nguy cơ áp lực tài chính kéo dài là rất cao và thậm chí đến thời điểm sau năm 2020. Dễ bị tác động nhất là các nước dựa nhiều vào thương mại, du lịch và hàng hóa, các nước mắc nợ nhiều và dựa vào dòng tài chính không ổn định.
Theo kịch bản xấu nhất, khu vực này sẽ có thêm 11 triệu người nghèo do kinh tế phục hồi chậm. Ông Mattoo cho rằng 17 nước trong khu vực này đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm 70% thương mại thế giới và tất cả đều bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Thế giới kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ, ưu tiên khống chế dịch cũng như có biện pháp hỗ trợ các hộ bị mất thu nhập. Ông Mattoo kêu gọi các nước nên tăng cường xét nghiệm Covid-19 như Hàn Quốc để nền kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường.
Khánh An
Thanh niên
|