Các nền kinh tế lớn muốn rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc
Các lãnh đạo của ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận hoặc công bố kế hoạch lôi kéo doanh nghiệp dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc giữa lúc đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Công nhân trở lại làm việc bên trong một nhà máy của liên doanh Đông Phong Honda ở thành phố Vũ Hán ngày 10.8 sau khi lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid được nới lỏngReuters
|
Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Phil Hogan hôm 21.4 tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, theo trang tin Politico. Hồi tuần rồi, chính phủ Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất Nhật Bản quay trở lại nước này hoặc chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á nếu họ rời khỏi Trung Quốc nhằm đối phó sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ đại dịch Covid-19.
Nhật Bản có động thái này sau khi giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow cho biết Washington sẽ trả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy có ý định nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc.
Các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đến nay, đại dịch Covid-19 buộc họ đẩy nhanh tiến trình này nhằm tránh phụ thuộc Trung Quốc, nhất là trong sản xuất thiết bị y tế.
Đại dịch Covid-19 phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn thiết bị y tế. Vài tuần gần đây, cơ quan y tế ở Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và mới đây là Canada phát hiện khẩu trang chuyên dụng cho nhân viên y tế và các bộ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc sản xuất bị lỗi hoặc có độ chính xác thấp, trong khi các chính phủ phải chi trả hàng triệu USD để nhập khẩu. Điều này dẫn đến xu hướng thoát phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Ông Li Xunlei, cố vấn kinh tế cho chính phủ Trung Quốc, thừa nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 buộc các công ty nước ngoài tìm kiếm nhà cung cấp trong nước và tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cũng khiến nhiều quốc gia hối tiếc vì đã đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài.
Ông Michael Alkire, chủ tịch của tổ chức Premier đại diện cho các bệnh viện ở bang Ohio (Mỹ), xác định ít nhất 22 mặt hàng PPE và 30 loại dược phẩm “phải được sản xuất tại Mỹ” giữa lúc đại dịch hoành hành nước này, làm chết hơn 51.000 người và hơn 890.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, nhiều loại thiết bị y tế hiện được sản xuất tại Trung Quốc và nước này đang thống trị thế giới về PPE và thị trường dược phẩm cùng nhiều lĩnh vực sản xuất khác, theo ông Alkire.
Các số liệu của chính phủ cho thấy 70% khẩu trang ở Mỹ là được sản xuất tại Trung Quốc, cùng một phần đáng kể các loại dược phẩm, theo Politico. “Chi phí sản xuất khẩu trang N95 tại nước ngoài trước khi đại dịch bùng phát là khoảng 30 cent (hơn 6.900 đồng) so với 34-36 cent ở Mỹ. Chúng tôi nhận thấy đang có xu hướng di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc”, ông Alkire nói.
Gần đây, hàng loạt dự luật được đưa ra tại quốc hội Mỹ để chống lại việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Chẳng hạn, hồi tháng rồi, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã giới thiệu dự luật giảm phụ thuộc Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Dự luật này còn thu hút được sự ủng hộ từ ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc gần đây trở thành một vấn đề được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ.
Một nhân viên đeo khẩu trang làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 19.2 Reuters
|
“Một khi đất nước hồi phục sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh và phòng ngừa rủi ro đối với chuỗi cung ứng vốn đã được đại dịch Covid-19 phơi bày. Thật không may là phải đợi đến khi đại dịch bùng phát toàn cầu mới thể hiện rõ mối đe dọa từ việc đặt dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc”, ông Rubio nói trong một tuyên bố. Hồi tháng 3, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đưa ra một dự luật khác, yêu cầu cấm tài trợ liên bang cho các hãng dược Trung Quốc và áp dụng quy tắc nghiêm ngặt hơn về ghi nhãn xuất xứ.
Các nhà phân tích đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc doanh nghiệp Mỹ phải tăng cường sản xuất thiết bị y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt. Điều này có thể thúc đẩy sản xuất nội địa một số mặt hàng nhằm tránh phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xu hướng tăng cường sản xuất nội địa có thể phát triển mạnh trong tương lai giữa lúc dư luận và các quan chức Mỹ ngày càng phẫn nộ vì Trung Quốc che đậy thông tin ban đầu, xử lý trì trệ khi dịch mới bùng phát cuối năm ngoái. Kết quả khảo sát ý kiến người dân Mỹ hồi tháng rồi của hãng Gallup cho thấy tỷ lệ tin tưởng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua với chỉ 33% người Mỹ giữ quan điểm ủng hộ Bắc Kinh. Kết quả tương tự được thể hiện trong cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew mới công bố vào tuần trước.
Bên cạnh đó, công ty tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney (Mỹ) vừa công bố báo cáo Reshoring Index, tức chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu. Theo đó, đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng, tương tự xu hướng từng diễn ra trong thương chiến Mỹ-Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là các công ty Mỹ sẽ đưa dây chuyền trở về nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung ứng từ Mexico và những quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc, như Việt Nam, để lấp đầy khoảng trống do nhập khẩu Trung Quốc giảm, báo cáo của Kearney lưu ý.
“Đối với chuỗi cung ứng lĩnh vực y tế, gần như chắc chắn sẽ có các chương trình được chính phủ hỗ trợ để doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất hàng hóa quan trọng về nước. Không quốc gia nào muốn tiếp tục lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt vật tư y tế và những chính sách như thế này dần dần trở nên phổ biến trên thế giới”, theo báo cáo của Kearney.
Phúc Duy
Thanh niên
|