Thứ Sáu, 24/04/2020 14:26

Tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, TQ có hưởng lợi khi giá dầu sụp đổ?

Giá dầu quốc tế lao dốc, người tiêu dùng Trung Quốc chưa kịp hưởng lợi thì loạt doanh nghiệp nước này đã phải chịu trái đắng do sa chân trong các hoạt động đầu tư liên quan dầu mỏ.

* Phía sau câu chuyện giá dầu âm

* Giá dầu thấp có thể là khởi điểm tốt cho sự phục hồi kinh tế

* Giá dầu có thể xuống âm 100 USD

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hơn 70% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trái với viễn cảnh hưởng lợi trên sự sụp đổ của giá vàng đen, các công ty Trung Quốc như đang ngồi trên đống lửa do không rút chân kịp thời, và đối mặt với các rủi ro thua lỗ đầu tư trầm trọng.

Trung Quốc lao đao khi giá dầu giảm sâu

Khi giá dầu quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua do giao dịch hợp đồng dầu tương lai Mỹ về mức âm 37,63 USD/thùng hồi đầu tuần, bóng ma thua lỗ đang bao trùm lên nền kinh tế thứ hai thế giới.

Dù giá dầu thô quốc tế giảm mạnh, giá xăng dầu trong nước Trung Quốc vẫn không đổi trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này lao đao. Ảnh: Bloomberg

Một trong những công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc cho biết, giá dầu giảm mạnh đã mang đến những rủi ro chưa từng có tiền lệ.

Một trong 4 ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đang ngồi trên đống lửa do không kịp rút chân và chấm dứt hợp đồng tương lai dầu để tránh thiệt hại cho khách hàng.

Trong khi đó, sàn giao dịch tương lai dầu khí Trung Quốc được niêm yết bằng đồng NDT, thay vì đồng USD cũng buộc phải ngừng giao dịch do quy định thắt chặt giá trần hàng ngày.

Giao dịch tương lai dầu tại Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, sàn giao dịch mới ra mắt 2 năm trước với tham vọng gây dựng đồng tiền petro - NDT, buộc phải dừng giao dịch hôm 22/4 ngay sau khi giá mở cửa lao dốc vượt mức giới hạn 10%. Tháng trước, sàn giao dịch Thượng Hải chỉ có biên độ tối đa là 6%.

Các giới hạn giao dịch giúp sàn Thượng Hải tránh được những biến động quá lớn trên thị trường dầu quốc tế - Brent và dầu WTI - Mỹ, có lúc lên tới 300% trong ngày. Việc nới lỏng biên độ giao dịch hồi tháng trước cũng không thể theo kịp với sự sụp đổ mạnh mẽ của thị trường dầu thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc thức dậy sau 1 đêm và đối mặt với sự sụt giảm chóng mặt, nhưng không thể can thiệp.

"Biến động giá dầu khủng khiếp như vậy có thể là tín hiệu kích ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính mới”, Guan Tao, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại BOC International (Trung Quốc), người từng làm tại Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc nhận định.

Guan Tao cho rằng giá dầu thô giảm sâu sẽ xóa sạch lợi nhuận trong lĩnh vực dầu mỏ và khiến giá trị các mã chứng khoán liên quan trên thị trường bốc hơi nhanh chóng.

Sự thất bại của chủ trương phòng ngừa rủi ro

Trong quý cuối cùng của thế kỷ trước, để đảm bảo nguồn cung dầu cho nền kinh tế bùng nổ, Bắc Kinh đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn và ổn định, coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Bắc Kinh chi bộn tiền vào các dự án đắt giá ở nước ngoài, bao gồm cả việc bơm tiền cho Venezuela. Ngoài ra, động cơ cốt lõi trong tham vọng phát triển Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan chính là nhằm giảm đáng kể khoảng cách vận chuyển dầu từ Trung Đông đến Trung Quốc.

Nhưng giá dầu thô lao dốc cũng đồng nghĩa là “hồi chuông báo động” cho các dự án đầu tư của Trung Quốc vào hoạt động thăm dò dầu khí đắt đỏ.

Các khoản đầu tư với chi phí khủng này có thể bị cắt giảm trong tương lai, Bai Jun, thành viên thuộc Ủy ban kinh tế tại Hiệp hội Dầu khí Trung Quốc cho hay. Vị này cho biết: “Chắc chắn sẽ có việc điều chỉnh ở phía cung. Nhưng điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều”.

Sàn giao dịch dầu tương lai Thượng Hải nới lỏng biên độ giao dịch nhằm thu hút người giao dịch, nhưng vẫn không phản ứng kịp với quy mô biến động khủng khiếp của thị trường dầu quốc tế. Ảnh: Reuters.

Dầu thô được giao dịch ở mức giá bèo bọt cũng sẽ cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh để tăng nguồn cung dầu thô trong nước, một phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ năm 1996 đến nay, mỗi năm Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào lượng dầu nhập khẩu để đáp ứng 72% tổng lượng tiêu thụ nội địa. Ràng buộc này khiến chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất dầu trong nước thông qua Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina), Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (Cnooc), nhóm 3 công ty dầu khí hàng đầu nước này.

Tuy nhiên, mức giá 20 USD/thùng khiến nhóm các tập đoàn trên lao đao, chịu lỗ nặng nề khi chi phí sản xuất bình quân đã lên tới 50 USD/thùng. Hôm 21/4, PetroChina nhận định, giá dầu lao dốc đã bộc lộ điểm yếu của tập đoàn với quy mô lớn nhưng cực kỳ dễ tổn thương. Trong khi đó, Sinopec cho biết sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng kéo dài.

Giá cổ phiếu của PetroChina tại Hong Kong đã lao dốc 1/3 giá trị trong năm nay, trong khi giá cổ phiếu Cnooc giảm tới 40%.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc Sinopec do sở hữu nhà máy lọc dầu cực kỳ lớn nên có thể hưởng lợi khi giá dầu thô thấp hơn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Sinopec vẫn không tránh khỏi sự sụt giảm chung của thị trường, mất tới 20% giá trị trong kỳ.

Người tiêu dùng Trung Quốc không hưởng lợi khi giá dầu thô giảm

Bên cạnh đó, đối với người sở hữu hơn 200 triệu xe hơi ở Trung Quốc, giá dầu thô quốc tế giảm mạnh không đồng nghĩa với giá xăng giảm. Nguyên nhân bởi thị trường bán lẻ Trung Quốc vẫn bị can thiệp và điều tiết mạnh mẽ.

Hiện Trung Quốc vẫn đang định giá các sản phẩm dầu như xăng và dầu diesel với giá dầu thô khi ở mức 40 USD/thùng, không liên quan đến biến động hiện tại của thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa rằng mặc cho giá dầu thế giới có giảm sâu đến mức nào, mức chi tiêu cho xăng dầu của người dân nước này không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự biến động lịch sử của giá dầu đang gây áp lực nặng nề cho các nhà đầu tư vào hợp đồng dầu quốc tế. Ngân hàng Trung Quốc, một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn, đã buộc phải tạm dừng các khoản đầu tư mới các sản phẩm tương lai dầu của Mỹ từ hôm 22/4.

Biến động giá cả và rủi ro thanh khoản cũng khiến ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông đình chỉ các sản phẩm đầu tư cá nhân mới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng khó có thể hưởng lợi khi giá dầu lao dốc do khả năng lưu trữ dầu hạn chế. Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng của Đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho biết các kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc đang cạn kiệt chỗ chứa. Ông Lin kiến nghị Trung Quốc cần nhanh chóng tăng cường mức dự trữ từ 90 - 100 ngày tiêu thụ lên 120 ngày.

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ - teapot của Trung Quốc có thể là người chiến thắng khi ​​giá dầu thô thấp. Vấn đề là năng lực của các công ty này vẫn hạn chế và vướng phải lệnh cấm bán dầu thành phẩm ra nước ngoài của Bắc Kinh.

Warren Patterson, người đứng đầu cơ quan chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ING, nhận định dù là nước thu mua dầu thô lớn nhất hành tinh, Trung Quốc vẫn thiếu những đầu mối chủ chốt trong ngành dầu khí quốc tế. Do đó, có thể phải nhiều năm nữa, thậm chí hàng thập kỷ tới giới đầu tư mới xem xét thị trường Thượng Hải như một tiêu chuẩn giá dầu như Brent hay WTI.

“Rất khó để thay đổi thói quen phụ thuộc vào tiêu chuẩn WTO hay dầu Brent của thị trường. Và càng khó hơn nữa để thị trường neo theo chỉ số giá tương lai dầu mỏ của Trung Quốc”, Patt Patterson nhận định.

Chính phủ Trung Quốc vẫn đang xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm thực hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực dầu khí toàn cầu. Cuối tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cấp phép cho một tỉnh ven biển Chiết Giang để thiết lập một khu vực thương mại tự do cho dầu mỏ. Theo kế hoạch chi tiết, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với các thị trường từ New York, London, Singapore tới Dubai để cung cấp dịch vụ giao dịch trong khu vực thương mại tự do mới. Nước này cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp tinh chế nhập khẩu dầu thô, chế biến tại địa phương và xuất khẩu dầu thành phẩm.

An Chi

Zing

Các tin tức khác

>   Thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 thất bại trong nghiên cứu trên người (24/04/2020)

>   WTO: 80 quốc gia, vùng lãnh thổ hạn chế xuất khẩu hàng chống COVID-19 (24/04/2020)

>   Cuộc 'đại phong tỏa' ảnh hưởng gì sản xuất, dịch vụ toàn cầu (24/04/2020)

>   Mỹ dọa cắt ngân sách WHO vĩnh viễn (24/04/2020)

>   Hơn 26 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp (24/04/2020)

>   Ca nhiễm nCoV ở Mexico vượt 10.000 (24/04/2020)

>   Merkel cảnh báo Covid-19 'mới chỉ bắt đầu' (24/04/2020)

>   Cơn ác mộng dầu thô của Mỹ (23/04/2020)

>   Hoạt động kinh tế của Eurozone giảm xuống mức thấp kỷ lục (23/04/2020)

>   Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục nhưng nguy cơ suy thoái vẫn cao (23/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật