Bộ Tài chính kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019 song theo Bộ Tài chính tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.
Bộ Tài chính vừa có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước ước thực hiện tháng 3 năm 2020.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính đã kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 trên 61.590 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Nhà nước giao; trong đó, vốn trong nước trên 58.596 tỷ đồng, vốn nước ngoài trên 2.995 tỷ đồng.
Mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), song theo Bộ Tài chính tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh một số Bộ, ngành địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch vốn được giao vẫn còn có 29 Bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%; trong đó, có tới 21 Bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).
Cụ thể, các bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 10.735 tỷ đồng, đạt 9,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng kỳ năm ngoái khu vực này giải ngân đạt 5,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Địa phương giải ngân đạt hơn 50.855 tỷ đồng, đạt hơn 14% kế hoạch Thủ tướng giao, đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2019.
Có 8 bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%. Có 3 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25% gồm Ngân hàng phát triển (31,13%); Thanh tra Chính phủ (27,60%); Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (26,31%); Ninh Bình (47,75%); Nam Định (32,78%); Bình Thuận (29,32%); Thái Bình (27,13%); Lạng Sơn (26,16%); Sóc Trăng (25,62%).
Ngoài các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu..., Bộ Tài chính cho rằng còn một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong nước 3 tháng đầu năm. Đó là theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020 do vậy các chủ đầu tư cũng tập trung giải ngân vốn kéo dài năm năm 2019 sang năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Kho bạc nhà nước số vốn trong nước kế hoạch năm 2019 kéo dài giải ngân sang năm 2020 khoảng 61.685 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số dự án bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa có kế hoạch để giải ngân.
Ngoài ra, còn nhiều chủ đầu tư các dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp đã được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 song chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, đến hết tháng 3/2020 có 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 với tổng kế hoạch vốn khoảng 225.679 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng cho biết thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán trong quý 1 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư... ảnh hưởng rất lớn đến triển khai và thanh toán vốn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp.
Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các Bộ, ngành địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các Bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg.
Các Bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án; tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế-xã hội.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc-Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...; xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân.
Các Bộ, ngành trung ương, địa phương chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công-dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định; ưu tiên triển khai trước mặt bằng sạch để đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc; kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao.
Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản cùng các cơ quan có liên quan chủ động giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong bối cảnh đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 và kinh tế thế giới, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công chính là sự thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương chung tay với Chính phủ giải quyết khó khăn, tạo động lực cho kinh tế đất nước ổn định và phát triển.
Luật Đầu tư công năm 2019 đã có hiệu lực từ 1/1/2020, theo đó điểm khác biệt cơ bản của việc giao kế hoạch từ năm 2020 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành và địa phương theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định. Các bộ, ngành và địa phương phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho từng dự án.
Ông Trương Hùng Long cho biết về cơ chế, Chính phủ đã nới lỏng hơn quy định việc phân bổ vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, sát với tình hình thực tế triển khai tại bộ, ngành, địa phương.
Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần có nhận thức đúng đắn, đồng thời tăng cường thực hiện giải ngân ở mức cao nhất trong năm 2020./.
Thùy Dương
Vietnam+
|