Thất nghiệp - Vấn nạn liên đới thời Covid-19
Nỗ lực kiểm soát số người nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 là vấn đề đang được các quốc gia đặt lên hàng đầu ở hiện tại. Tuy nhiên, đằng sau virus chủng Corona không chỉ là vấn đề sức khỏe, tính mạng của mọi người, mà nó còn là cả hệ lụy về việc làm, hàng hóa, khủng hoảng, tệ nạn xã hội.
Chỉ mới bùng phát được gần 3 tháng nhưng sức tàn phá của Covid-19 lên nền kinh tế thật sự khủng khiếp. Trong tháng đầu tiên của năm 2020, mọi người chỉ mới thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến với Trung Quốc – nơi khởi nguồn của virus. Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu ở đây Trung Quốc là công xưởng của thế giới, và nó đã gây ra những ảnh hưởng tức thì đến các nước khác ngay từ những ngày đầu dịch bệnh. Dù tự nguyện hay bắt buộc, thì số công ty phải đóng cửa khi không còn đủ khả năng cầm cự qua dịch bệnh đã khiến số người mất việc làm tại nước này tăng lên.
Khi dịch bệnh lan rộng trên các quốc gia và lãnh thổ toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều hạn chế đi lại, thậm chí phong tỏa. Điều này đã tác động một cách mạnh mẽ lên ngành hàng không, dụ lịch, nhà hàng, khách sạn… khiến nhiều nơi phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ không lương hoặc thậm chí đóng cửa vô thời hạn.
Đơn cử như hãng hàng không Flybe của Anh ngày 05/03/2020 đã tuyên bố phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự giảm sút nhu cầu đi lại do Covid-19. Chưa dừng lại ở đó, theo nguồn tin từ Bloomberg, CAPA đưa ra cảnh báo vào ngày 16/03/2020, nhiều hãng hàng không thế giới có thể bị buộc phải phá sản kỹ thuật hoặc vi phạm các thỏa thuận nợ nếu Chính phủ và ngành này không kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Các hãng đang cạn kiệt nguồn tiền mặt dự trữ một cách nhanh chóng vì máy bay không được cất cánh hoặc vận hành trong tình trạng trống hơn nửa số ghế.
Và mới đây, theo tin từ Reuters tối 22/03, Hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - một trong những hãng lớn nhất thế giới, vừa thông báo sẽ dừng mọi chuyến bay chở khách và cắt giảm lương đến 50% do tác động từ đại dịch COVID-19. Trước đó, hãng đã thông báo dừng đến 70% các tuyến bay, đề nghị nhân viên nghỉ phép không lương và ngưng tuyển dụng.
Nguồn: Internet
|
Các doanh nghiệp Việt tất nhiên cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tháng 1 chỉ có 29,849 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thì đến tháng 2, con số này đã tăng lên 47,164 người, tăng 59.2% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng trong tháng 2, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nửa đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt, với khoảng trên 15% tổng số doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng lao động lớn nhất như: Dệt may, hàng không, dịch vụ, du lịch…
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 4.4% từ mức thấp nhất trong gần 50 năm tại 3.5%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 8/2017 đồng thời ghi nhận sự biến động mạnh nhất của tỷ lệ thất nghiệp trong một tháng kể từ tháng 1/1975.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 3, nền kinh tế đã mất 701,000 việc làm. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế chứng kiến số lượng việc làm trong một tháng sụt giảm kể từ tháng 9/2010, và đánh dấu tháng tồi tệ nhất trên thị trường lao động Mỹ kể từ cuộc Đại Suy thoái vào tháng 3/2009.
Trong khi đó, số liệu công bố từ Bộ Lao động Mỹ ngày 26/03 cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 3.28 triệu đơn trong tuần kết thúc ngày 21/03. Đây cũng được ghi nhận là lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất trong lịch sử, đánh bay kỷ lục trước đó là 695,000 đơn/tuần vào tháng 10/1982. Một bản báo cáo việc làm tháng 4 dự kiến được công bố vào ngày 08/05 tới đây có thể bao gồm gần 10 triệu người Mỹ nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/03, khoảng 5 triệu người Trung Quốc đã mất việc làm trong 2 tháng đầu năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng vọt trong tháng 2 lên 6.2%, cao hơn mức 5.3% trong tháng 1 là 5.2% hồi tháng 12/2019, đây cũng được ghi nhận là mức cao nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Hậu dịch Covid-19 thì sao?
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, khi dịch bệnh kết thúc, có gì để đảm bảo rằng tất cả những người vừa nghỉ làm bắt buộc vì Covid-19 sẽ có thể trở lại làm việc như trước kia. Vì không phải công ty nào cũng có khả năng hồi phục để mở cửa trở lại.
Thêm nữa, thất nghiệp thời Covid-19 còn nghiêm trọng hơn thất nghiệp tại các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó. Thất nghiệp lần này đến từ nhiều phía.
Trước tiên, chắc chắn sẽ liên quan đến tổng cầu. Nhu cầu đi lại quá ít ảnh hưởng đến hàng không, du lịch, người dân chỉ có nhu cầu cho nhu yếu phẩm, y tế, khẩu trang... trong khi cầu về các mặt hàng khác không có dẫn đến tổng cầu quá thấp, dư cung.
Phương pháp cắt giảm thất nghiệp cho trường hợp này là sử dụng công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để làm tăng tổng cầu, qua đó làm tăng sản lượng, việc làm.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã bị ảnh hưởng về mọi mặt thì những gói kích thích tổng cầu cũng chỉ hỗ trợ được một số ngành nghề, làm tăng cầu chỉ ở một số ngành nghề.
Thứ hai, trong diễn biến thất nghiệp thời đại Covid-19, sẽ xuất hiện cả thất nghiệp từ phía cung. Việc các nước phong tỏa biên giới, hoặc các quốc gia cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các nền sản xuất gặp dịch bệnh, không sản xuất được, kéo theo hàng hóa tại các nước nhập khẩu nguyên liệu cũng bị đình trệ. Vấn nạn này có thể thấy rõ ràng nhất đối với các nước quá phụ thuộc vào Trung Quốc, kể cả là cung cấp nguyên liệu sản xuất hay nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Việc sử dụng hàng hóa không hiệu quả và tình trạng thiếu vốn để đầu tư nhà máy, sản phẩm, có thể dẫn đến việc thay thế sản phẩm trong nước bằng sản xuất ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.
Kể cả trường hợp khi dịch bệnh đã được kiểm soát, những người bị thất nghiệp bắt buộc do dịch bệnh cho dù chấp nhận mức tiền công thấp hơn mức trước đó vẫn sẽ khó có khả năng tìm được việc làm do suy thoái kinh tế, những ngành nghề trước đây họ làm không còn nhu cầu tuyển dụng, cung lao động lớn hơn cầu về lao động, những người này lại tiếp tục thất nghiệp hoặc chấp nhận làm trái ngành.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO ( International Labour Organization) dự báo, trong trường hợp tệ nhất, ước tính có 24.7 triệu người có thể bị thất nghiệp và khoảng 5.3 triệu người trong tình huống lạc quan nhất. ILO cũng dự kiến người lao động toàn cầu sẽ mất chung từ 860-3,400 tỷ USD do thất nghiệp gây ra.
Thất nghiệp tăng lên cũng có nghĩa nền kinh tế đang suy thoái do tổng thu nhập quốc gia thực tế thấp hơn tiềm năng; suy thoái do thiếu vốn đầu tư (vì vốn ngân sách bị thu hẹp do thất thu thuế, do phải hỗ trợ người lao động mất việc làm…). Thất nghiệp tăng lên cũng là nguyên nhân đẩy nền kinh tế đến bờ vực lạm phát.
Cát Lam
FILI
|