Vì sao các lãnh đạo thị trường chứng khoán nhất trí phản đối đóng cửa thị trường?
- Các nhà lãnh đạo thị trường cho rằng việc đóng cửa giữa đại dịch virus corona sẽ không thể chấm dứt tình trạng sụt giảm giao dịch
- Điều này chỉ gia tăng thêm lo lắng đang hiện diện trên thị trường, Chủ tịch Sở Chứng khoán New York (NYSE) Stacey Cunningham nhận định
- Thiết bị ngắt giao dịch tự động đã tạm ngưng giao dịch 3 lần trong 6 phiên vừa qua
Mỹ có thể sẵn sàng đóng cửa trường học, các buổi hòa nhạc, các sự kiện thể thao, các cửa hàng, thậm chí là các nhà hàng và quán bar nhưng có một việc khiến nước này vô cùng đắn đo, đó là đóng cửa Wall Street.
Các chuyên viên y tế đứng trước lối ra vào tại NYSE để kiểm tra thân nhiệt của những người đi vào hôm 16/02/2020 tại Phố Wall, Thành phố New York – Nguồn: CNBC
|
* Quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính vì virus
* Dow Jones sụt gần 3,000 điểm, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987
* Việt Nam sẽ giảm ngay một số loại giá dịch vụ chứng khoán trong tuần này
“Duy trì hoạt động của các thị trường là một điều quan trọng và điều này cũng giúp các thị trường có thể hoạt động một cách công bằng và trật tự”, Stacey Cunningham, Chủ tịch NYSE đăng trên Tweet vào chiều ngày thứ Hai (16/03).
Đây không chỉ là ý kiến của riêng bà Stacey. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cũng có quan điểm tương tự. Thứ Sáu tuần trước, ông nhận định trên CNBC rằng: “Chúng tôi dự định tiếp tục mở cửa thị trường. Đó là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào mọi người. Vẫn có người muốn lên sàn để mua cổ phiếu. Chúng tôi muốn thị trường mở cửa”.
Hôm thứ Hai, Terry Duffy, Giám đốc điều hành (CEO) của CME, cũng nhận định trên CNBC rằng: “Ít nhất cũng phải mở cửa thị trường để mọi người có thể giao dịch”.
Vậy tại sao mọi người lại phản đối việc đóng cửa thị trường và xem đó như là một kỳ nghỉ lễ? Có lẽ Chủ tịch NYSE Cunningham là người đưa ra ý kiến thuyết phục nhất: “Đóng cửa thị trường sẽ không thay đổi các nguyên nhân cơ bản dẫn đến đà sụt giảm của thị trường, mà còn làm mất đi sự minh bạch trong tâm lý nhà đầu tư, và làm giảm khả năng tiếp cận dòng tiền của nhà đầu tư. Điều này chỉ khiến thị trường càng thêm lo lắng”.
Ngoài ra, còn có một số vấn đề thực tế khác: Mỹ là một phần của hệ thống thị trường toàn cầu. Thị trường Mỹ thực sự không thể đóng cửa. Các thị trường khác sẽ tìm cách để giao dịch cổ phiếu Mỹ thông qua các quỹ ETFs hoặc các kênh đầu tư khác.
Ngoài những quan điểm trên, các lời kêu gọi ngừng giao dịch có phần hơi khó hiểu vì trên thực tế giao dịch đã bị tạm ngưng ngay trong phiên khi có vấn đề. Các thiết bị ngưng giao dịch tự động (circuit breaker) đã được kích hoạt 3 lần trong 6 phiên giao dịch vừa qua. Mục đích của những thiết bị này là nhằm tạm dừng hoạt động của thị trường, chứ không phải là chặn đứng đà sụt giảm và có vẻ như các thiết bị này đã hoạt động hiệu quả trên mọi phương diện”.
Trên thực tế, thị trường nhìn chung đã hoạt động tương đối tốt và đó chính là điểm mấu chốt giúp thị trường tiếp tục mở cửa. Các thị trường không có nhiệm vụ giúp nhà đầu tư thoát lỗ mà là để vận hành một cách hợp lý và hiệu quả, và khi thực tế xảy ra đúng như vậy thì không có lý do gì phải can thiệp.
Tal Cohen, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Thị trường Khu vực Bắc Mỹ tại Nasdaq, chiều ngày thứ Hai nhận định với CNBC rằng: Chúng tôi hiểu tâm lý thị trường và chứng kiến tất cả các biến động cũng như mức độ ngày càng tăng cao nhưng các thị trường vẫn hoạt động tốt. Và vì thế câu hỏi chúng tôi đặt ra là lý do tại sao lại đóng cửa thị trường? Liệu điều đó có cải thiện niềm tin của nhà đầu tư hay không?
Ông Cohen hàm ý rằng việc đóng cửa chắc chắn sẽ không thể cải thiện niềm tin. Đó là một giải pháp chúng ta có thể không cần phải áp dụng.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|