Thứ Hai, 16/03/2020 21:26

Chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch 15 phút sau cú lao dốc 7% ngay đầu phiên

Chứng khoán Mỹ lao dốc dữ dội trong ngày thứ Hai sau khi Fed thực hiện chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ nhằm hạn chế đà giảm tốc của nền kinh tế trước sự bùng phát của dịch bệnh.

00:01: S&P 500 rớt 8.4% trong khi Dow Jones sụt 2,083 điểm, tương đương 9%. Nasdaq Composite cũng hạ 8.2%. Dù vậy, cả 3 chỉ số chính đã thoát khỏi các mức thấp nhất trong phiên. Trước đó, S&P 500 lao dốc tới 11.4% trong khi Dow Jones trượt dài hơn 12%, còn Nasdaq Composite tích tắc bốc hơi 11.7%.

Giao dịch bị tạm ngưng trong 15 phút ngay sau giờ mở cửa vì đà sụt giảm tới 8.14% của S&P 500 đã dẫn đến việc kích hoạt thiết bị ngắt giao dịch tự động (circuit breaker). Đây là lần thứ 3, thiết bị này được áp dụng.

21h50: Chỉ số S&P 500 rớt mạnh 8% trong khi Dow Jones bốc hơi 1,981 điểm, tương ứng 8.6% còn Nasdaq Composite sụt 7.9%.

Với đà sụt giảm này, các chỉ số đang hướng đến phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ “Ngày Thứ Hai Đen Tối” (Black Monday) của thị trường năm 1987. Mức lao dốc này cũng mạnh hơn cả đà giảm sâu hôm thứ Năm tuần trước.

Tính tới thời điểm hiện tại, đà sụt giảm đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai đã khiến cả S&P 500 và Nasdaq hiện đang thấp hơn 27% so với các mức cao kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 2 vừa qua. Tương tự, Dow Jones cũng đang thấp hơn 29% so với mức cao mọi thời đại xác lập trong tháng trước. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones giảm hơn 30% so với kỷ lục.

 

 

Các mức sụt giảm mạnh nhất mọi thời đại của Dow Jones - Nguồn: CNBC

Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm mạnh 1,000 điểm sau khi Fed cắt lãi suất về 0

Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt giá mạnh mẽ vào ngày thứ Hai khi nhà đầu tư trở nên hoang mang trước hành động giảm lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giảm thiểu thiệt hại của dịch cúm corona và các số liệu cho thấy đợt bùng nổ dịch bệnh lần này đã tạo nên một sự sụp đổ kinh tế "vô tiền khoáng hậu" cho đất nước Trung Quốc.

Khắp châu Á, thị trường cũng trở nên hỗn loạn, chỉ số chính của Úc sụt giảm gần 10%, mức giảm kỷ lục từ trước đến nay. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn giảm 7% vào đầu phiên, còn chỉ số CAC40 của Pháp và DAX của Đức cũng giảm dữ dội 9%.

Thị trường Mỹ cũng đang phát đi tín hiệu về đà giảm mạnh trong ngày thứ Hai. Hợp đồng tương lai Dow sụt 1,041 điểm, tương đương khoảng 4.5%. Chỉ số S&P 500 tương lai giảm mạnh 4.8%, còn Nasdaq tương lai hạ 4.5%. Hiện tại có hơn 3,000 ca nhiễm virus corona tại Mỹ, dựa theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như các cơ quan Chính phủ nước này. Nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường chứng khoán bất chấp hành động can thiệp mạnh mẽ của Fed vào hôm Chủ Nhật. Trong một cuộc họp khẩn cấp, tổ chức này đã mạnh tay ra quyết định đưa mức lãi suất cơ bản về mốc 0%, và còn nói thêm Fed sẽ thu mua thêm 700 triệu USD trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp.

Hành động cắt giảm lãi suất đột ngột này nhằm ngăn chặn những biến cố kinh tế có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng tín dụng đã sự sụp đổ của thị trường tài chính xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - lần gần nhất mà Fed cắt giảm lãi suất về 0%.

“Tôi không nghĩ Fed sẽ hành động như thế trừ khi họ cảm nhận được thị trường tài chính đang đứng trước một rủi ro đóng băng nghiêm trọng trong tương lai gần. Họ rất lo sợ rằng thị trường tài chính sẽ không thể hoạt động được nữa. Tôi cũng không biết được hành động này sẽ giúp thị trường xoa dịu được bao nhiêu phần”, Mark Zandi, nhà kinh tế học của Moody's Analytics, chia sẻ với CNN Business.

Vào ngày thứ Hai, các mã chứng khoán hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng loạt chuyến bay bị tuyên bố hủy bỏ trước việc hạn chế du lịch toàn cầu. Air France KLM lao dốc 12% ngay phút mở cửa còn IAG, chủ sở hữu của British Airways, rớt 16%.

Giá dầu thô Brent, giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu, giảm 6% xuống còn 31.83 USD/thùng.

Một ngày tồi tệ tại châu Á

Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng bị chấn động mạnh trước số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng hơn nhiều so với dự đoán do dịch bệnh corona.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ của nước này giảm 20.5% trong giai đoạn tháng 1 và tháng 2, một kết quả thảm hại hơn nhiều do với dự đoán tăng 0.8% của giới phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Sản lượng công nghiệp cùng kỳ cũng giảm 13.5%, trong khi đó đầu tư vào tài sản cố định lao dốc 24.5%.

Mao Xinyong, người phát ngôn của NBS, chia sẻ tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ để ứng phó với những ảnh hưởng do dịch bệnh mang lại, bao gồm những biện pháp tài khóa chủ động và những biện pháp tiền tệ khôn ngoan để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như nhiều chính sách hỗ trợ việc làm đặc biệt khác.

Nhưng những thông tin đó cũng chưa đủ làm nhà đầu tư yên tâm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4%, còn Nikkei 225 của Nhật rớt 2.5%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 3.4%. Trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14.3 tỷ USD) vào hệ thống tài chính bằng cách cho các ngân hàng thương mại vay tiền. Vào hôm thứ Sáu tuần rồi, Ngân hàng Trung ương nước này tuyên bố sẽ cắt giảm khoản tiền mặt dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, để rót thêm 550 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 78.6 tỷ USD) vào nền kinh tế.

PBoC cũng cho biết họ sẽ có những biện pháp khác để hạ thấp lãi suất cho vay nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những thiệt hại do sự bùng phát của dịch bệnh virus corona mang lại.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo sẽ tổ chức cuộc họp chính sách một ngày, thay cho cuộc họp định kỳ vào thứ Ba và thứ Tư. Cũng trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) cho biết họ đã sẵn sàng để thu mua trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ cho thị trường. Tổ chức này còn nói rằng những biện pháp chính sách khác sẽ được công bố thêm vào ngày thứ Năm.

Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp, nói rằng các nước trên thế giới đã đưa ra những chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ rất “dày và mạnh”.

Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất lúc này chính là những ngân hàng trung ương hàng đầu trên toàn thế giới đã sử dụng hết những công cụ chính sách của họ, đặc biệt là Fed, tổ chức lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhiều nhất trong số đó.

“Hiện tại thị trường đại loại đang ở trong trạng thái không còn khả năng phòng ngự trước một đợt bán tháo nữa, do đó chỉ còn có thể dựa vào chính sách tài khóa để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tín dụng toàn cầu”, Innes nói thêm.

Tiếp tục cập nhật...

Tuệ Nhiên (Theo CNN, CNBC)

fili

Các tin tức khác

>   Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh khi mở cửa phiên 16/3 (16/03/2020)

>   Chứng khoán tương lai Mỹ vẫn giảm, bất chấp Fed hạ lãi suất gần bằng 0 (16/03/2020)

>   Tuần chao đảo của thị trường chứng khoán toàn cầu (14/03/2020)

>   Dow Jones đảo chiều vọt gần 2,000 điểm, tăng mạnh nhất từ năm 2008 (14/03/2020)

>   COVID-19 lại 'thổi bay' hơn 400 tỷ USD của 5 đại gia công nghệ Mỹ (13/03/2020)

>   Sụt gần 10%, Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987 (13/03/2020)

>   Dow Jones mất 1,400 điểm và rơi vào thị trường “con gấu” (12/03/2020)

>   Dow Jones vọt hơn 1,100 điểm, phục hồi một nửa từ đợt bán tháo trước đó (11/03/2020)

>   Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi sàn chứng khoán Malaysia (10/03/2020)

>   Thị trường chứng khoán Canada lao dốc nhanh nhất kể từ năm 1987 (10/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật