Từ phim đoạt giải Oscar đến phương pháp chọn cổ phiếu của những bậc thầy đầu tư
Nếu chỉ đọc các báo cáo cung cấp bởi doanh nghiệp và công ty chứng khoán, một nhà đầu tư sẽ rất khó để xuất phát sớm so với thị trường.
Phim tài liệu hay nhất của Oscar 2020 - American Factory.
|
American Factory nhận giải phim tài liệu hay nhất của Oscar 2020. Bộ phim là câu chuyện về một nhà máy ô tô tại Mỹ đã dừng hoạt động nhiều năm được hồi sinh bởi những ông chủ từ Trung Quốc. Sau khoảng thời gian êm đẹp ban đầu, những khác biệt trong văn hóa làm việc, trong tính cách của người lao động Mỹ và Trung Quốc bắt đầu lộ ra. Rắc rối lớn dần khi những công nhân Mỹ bất mãn về tiền lương thấp, về vấn đề bảo hộ lao động, không được đối xử tốt và ra sức cho kế hoạch thành lập công đoàn.
“Tôi không muốn thấy công ty này có công đoàn. Nếu chuyện đó xảy ra thì tôi sẽ đóng cửa nhà máy.” – vị chủ tịch người Trung Quốc nói trong một buổi họp. Thời gian sau đó, các nhân sự điều hành cấp cao buộc phải ra đi khi không dàn xếp được vấn đề. Bầu không khí nhà máy trở nên căng thẳng, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.
Nhưng tất cả sự việc này thì liên quan gì đến việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư?
Hãy cùng nhớ lại, bạn có bao giờ đọc những báo cáo tài chính (BCTC) và báo cáo thường niên (BCTN) của doanh nghiệp mà thấy các vấn đề như vậy được giải trình một cách đầy đủ, hay thậm chí nhắc đến?
Những sự việc này gần như không bao giờ xuất hiện trong những báo cáo kể trên, nhưng chính chúng lại ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, và thậm chí ở trường hợp của nhà máy trong bộ phim American Factory thì đây là yếu tố sống còn.
Những xung đột tương tự vẫn luôn xảy đến với bất kỳ công ty nào. Cái cách mà doanh nghiệp xử lý những xung đột đó, hay bất kỳ quyết định quan trọng nào khác, chính là đầu vào cho ra doanh thu và lợi nhuận, để rồi sau cùng phản ánh lên giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Nếu chỉ ngồi tại văn phòng và đọc tài liệu, một nhà đầu tư, trong hầu hết mọi trường hợp, sẽ biết đến những vấn đề khi đã rồi. Những BCTC rất hữu ích và cung cấp nhiều thông tin về doanh nghiệp, nhưng đừng quên nó cũng chỉ là lát cắt tại một thời điểm. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về những gì đang thực sự diễn ra bên trong doanh nghiệp?
Thu thập thông tin từ nhiều nguồn liên quan
Cha đẻ trường phái đầu tư tăng trưởng - Philip Fisher.
|
Cần hiểu đúng rằng việc tìm kiếm thông tin ở đây hướng đến phục vụ cho hoạt động phân tích, đánh giá doanh nghiệp chứ không nhằm khai thác các giao dịch ngắn hạn.
|
Theo cha đẻ của trường phái đầu tư tăng trưởng – Philip A. Fisher, thông tin từ các nguồn truyền miệng trực tiếp đặc biệt có giá trị. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin từ các đối tác, đối thủ cạnh tranh, ngân hàng cho vay, khách hàng,… của công ty mục tiêu. Fisher đánh giá, đây là nguồn thông tin giá trị phục vụ đánh giá doanh nghiệp, cực kỳ hữu dụng so với việc đơn thuần tin dùng những các báo cáo, tư liệu cung cấp bởi doanh nghiệp và các hãng môi giới, bởi đây là những bên muốn bán cổ phiếu cho bạn.
Càng nhiều thông tin được thu thập từ các nhóm đối tượng khác nhau thì bức tranh về một doanh nghiệp sẽ càng bao quát, khách quan. Như Fisher đã lưu ý, các thông tin thu thập được có thể sẽ không trùng khớp hay thậm chí là mâu thuẫn với nhau.
Warren Buffett, huyền thoại đầu tư đã xây nên đế chế kinh doanh hàng trăm tỷ đô – Berkshire Hathaway, từng nói rằng phương pháp đầu tư của ông thừa hưởng 85% từ Benjamin Graham (cha đẻ của đầu tư giá trị) và 15% từ Philip Fisher. Nhưng càng về sau trong cuộc đời đầu tư của Buffett, các nhà quan sát cho rằng ông ngày càng nghiêng nhiều hơn về phía ngài Fisher.
Đích thân trải nghiệm sản phẩm
Peter Lynch - Nhà đầu tư huyền thoại với tỷ suất lợi nhuận kép 29% trong 13 năm.
|
Peter Lynch, huyền thoại đầu tư của Fidelity khi xây dựng một quỹ đầu tư với tài sản 18 triệu USD trở thành quỹ 14 tỷ USD (trong thời gian từ 1977-1990), là một nhà đầu tư “dấn thân” đúng nghĩa. Ông ưa thích trò chuyện cùng nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp và giữ thói quen ghi chú những điểm đặc biệt. Lynch chủ động gọi điện đến doanh nghiệp để đặt câu hỏi và thường ghé thăm các cửa hàng hay dùng thử sản phẩm của những công ty mà ông hứng thú với cổ phiếu.
Có lần, Peter Lynch đã bị “xén” trong chuyến khảo sát chuỗi cửa hàng cắt tóc Supercut. Dù vậy, tiếp tục phân tích thêm về tình hình hoạt động của toàn chuỗi Supercut, Lynch nhận thấy đây là một cơ hội với viễn cảnh kinh doanh sáng sủa. Các con số tuyệt vời đã chiến thắng những sợi tóc mai bị xén, và nhà đầu tư huyền thoại đã khuyến nghị mua cổ phiếu Supercut.
Trải nghiệm một sản phẩm, nhưng nên nhớ rằng việc thích một sản phẩm không đồng nghĩa nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đó. Peter Lynch khuyên nhà đầu tư nên thực hiện việc phân tích và đánh giá cẩn thận mọi nguồn thông tin có được về doanh nghiệp. Bởi, nếu không làm tốt bài tập về nhà, thật khó để bạn đạt điểm số cao ở lớp.
Phong cách đầu tư sát sao với doanh nghiệp giúp Peter Lynch phát hiện sớm những cơ hội trước tai mắt của Phố Wall. Trong 13 năm quản lý quỹ đầu tư, ông đạt tỷ suất lợi nhuận kép lên đến 29%.
Đó là phần của những nhà đầu tư nổi tiếng. Vậy còn lời khuyên của giới chủ doanh nghiệp thì sao?
Sam Walton - Nhà sáng lập Walmart, đế chế bán lẻ vĩ đại nhất thế kỷ 20.
|
Chắc hẳn bạn đã từng nghe cái tên Walmart, hãng bán lẻ khổng lồ với doanh thu trên 500 tỷ USD trong năm 2019. Nhà sáng lập huyền thoại của Walmart - ông Sam Walton được mệnh danh là “vua bán lẻ”. Trong cuốn tự truyện về mình, ngài Walton viết rằng: “Nếu tôi là một cổ đông của Walmart hay xem xét trở thành một cổ đông thì tôi sẽ vào thăm mười cửa hàng và hỏi những người làm việc tại đó: ‘Anh cảm thấy thế nào? Công ty đối đãi anh ra sao?’. Câu trả lời của họ sẽ cho tôi điều mình cần biết.”
Đấy là trong ngành bán lẻ, khi các cửa hàng đều sẵn có tại góc phố để nhà đầu tư có thể tự do bước vào. Đối với những ngành kinh doanh khác, công việc sẽ khó hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, để một nhà đầu tư có thể tiếp cận nguồn thông tin là không hề dễ dàng, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ, đặc biệt là với những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu bó tay.
Anh N.C.S, 29 tuổi và là một nhà đầu tư toàn thời gian, đã từng qua mặt các nhân viên bảo vệ để vào gặp trực tiếp Tổng Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải. Đánh giá cao vị Tổng Giám đốc đã thoải mái giải đáp những thắc mắc của mình kể cả khi bận rộn và không có lịch hẹn, và đương nhiên đi kèm việc suy xét cẩn thận doanh nghiệp và mức định giá của cổ phiếu, anh N.C.S quyết định đầu tư và cuối cùng đã bán đi với một món lời hơn 30% chỉ trong một năm.
Hiện, anh N.C.S đã chuyển nơi sinh sống từ TP HCM ra Hà Nội để theo sát một khoản đầu tư mới của mình. Cũng như lần trước, anh lên kế hoạch gặp trực tiếp những người điều hành để hiểu rõ hơn về doanh nghiệp.
Nhưng làm thế nào một nhà đầu tư cá nhân có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp nếu không hăng hái được như anh N.C.S. Lời giải có thể nằm ở vòng tròn năng lực của bạn. Nếu bạn làm trong lĩnh vực nào thì sẽ có hiểu biết sâu hơn, kèm những mối quan hệ trong lĩnh vực đó, nhờ vậy dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin phục vụ hoạt động đầu tư. Cũng như bất kỳ công việc nào khác, nếu muốn làm tốt trong đầu tư, hãy cố gắng tận dụng những lợi thế riêng của bạn.
Thừa Vân
FILI
|