Thứ Ba, 17/03/2020 16:09

TS. Bùi Quang Tín: 'Giảm lãi suất điều hành giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tốt hơn'

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều chỉnh kịp thời mức lãi suất điều hành để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được các dòng vốn tốt hơn. Động thái này phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay và mục tiêu là làm giảm lãi suất trong thời gian tới.

* NHNN giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 17/03

* Những lần thay đổi lãi suất điều hành của NHNN

* Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu bất chấp Fed cắt giảm lãi suất

* Dịch bệnh COVID-19 lây lan, Fed giảm lãi suất về gần 0%

Đó là chia sẻ của LS. TS. Bùi Quang Tín – Chuyên gia kinh tế về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 17/03/2020.

Ông có nhận định như thế nào về việc NHNN chính thức công bố giảm lãi suất điều hành?

LS. TS. Bùi Quang Tín: Lãi suất điều hành là một trong những công cụ về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và lãi suất điều hành bao gồm 3 loại: Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cơ bản.

Có thế nói rằng, lãi suất cơ bản của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã được giữ cố định trong suốt hơn 10 năm và NHNN chỉ điều chỉnh lãi suất điều hành có liên quan đến lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Với việc điều chỉnh lãi suất lần này, NHNN đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương (NHTW) của các nước khác, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất cơ bản từ 1-1.25% xuống còn 0%-0.25%. Và cùng với rất nhiều NHTW các nước cũng đang trong giai đoạn giữ mức lãi suất cơ bản rất thấp thì NHNN Việt Nam cũng đã điều chỉnh kịp thời mức lãi suất lần này để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được các dòng vốn tốt hơn.

TS Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP HCM tại buổi chia sẻ với người viết. Ảnh: Ái Minh

Theo ông, mức giảm lãi suất điều hành lần này đã phù hợp chưa hay cần phải mạnh tay hơn?

Tôi cho rằng NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành trong mức tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Ví dụ như lạm phát, có thể nói rằng lạm phát 2 tháng đầu năm 2020 nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì đã tăng 5.91%, được xem là cao hơn mức được dự trù ban đầu là 4%, và mục tiêu lạm phát của cả năm 2020 là dưới mức 4%. Cho nên, với một mức lạm phát cao như thế so với các năm thì đây cũng chính là một trong những yếu tố mà NHNN giảm lãi suất điều hành mang tính phù hợp với mức lạm phát, tỷ giá cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác. Do đó, động thái của NHNN vào tối ngày 16/03 vừa qua đã phù hợp với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Các doanh nghiệp nên làm gì để có thể tận dụng được cơ hội từ việc NHNN giảm lãi suất điều hành?

Tác động của lãi suất điều hành mang tính trung và dài hạn. Việc điều chỉnh lãi suất điều hành lần này chủ yếu tập trung tác động vào các khoản vay mới và mục tiêu lớn nhất là làm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ giảm, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn và đặc biệt là lãi suất giao dịch trên thị trường mở (thị trường OMO) sẽ giảm trong thời gian tới.

Song, bản thân các doanh nghiệp cũng chờ những động tác mạnh mẽ hơn nữa từ phía các ngân hàng thương mại bởi vì chúng ta thấy rất rõ là các doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu vốn rất yếu. Hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam phát triển rất chậm, thậm chí là các doanh nghiệp đang chờ cơ hội mới để phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Động thái lần này của NHNN tuy đã hỗ trợ rất lớn về dòng tiền, nhưng chỉ hưởng lợi đối với các khoản vay mới, hy vọng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ giảm đi. Còn đối với những hợp đồng vay cũ thì rất khó để mà các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trừ khi đối với những lĩnh vực, khách hàng chứng minh được thiệt hại của họ từ Covid-19 lần này và sự hỗ trợ phải tùy theo từng hồ sơ vay. Vì vậy đối với các khoản vay cũ, các doanh nghiệp muốn được hệ thống ngân hàng hỗ trợ thì họ phải có những minh chứng để chứng minh rằng sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đã tác động đến hoạt động kinh doanh của họ.

Không chỉ ở Việt Nam, cuộc đua hạ lãi suất đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, điều này cho thấy vấn đề gì ở đây thưa ông?

Việc hệ thống NHTW các nước tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất sẽ có 2 tác động vừa tích cực và vừa tiêu cực.

Trong đó, sẽ là tích cực nếu các NHTW quyết tâm làm mạnh tay để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và hệ thống tài chính của các quốc gia có thanh khoản về đồng tiền tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhà điều hành của các nước phải luôn luôn bên cạnh các doanh nghiệp và thị trường để đưa ra sự hỗ trợ tốt nhất.

Ngược lại, sẽ có tác động mang tính tiêu cực bởi vì room để NHTW các nước tiếp tục điều chỉnh về các công cụ tiền tệ đã không còn nhiều. Ví dụ như lãi suất của Fed đã giảm xuống 0-0.25% và NHTW của nhiều quốc gia cũng đã hạ xuống dưới mức 0%, do đó, dư địa để tiếp tục điều chỉnh các công cụ lãi suất trong thời gian tới là rất thấp.

Thêm vào đó, động thái của NHTW các nước cũng đã biểu hiện sự lo lắng nhất định và nó tạo ra một tâm lý rất lo ngại cho các thị trường. Đặc biệt, sau khi Fed hạ lãi suất cơ bản thì thị trường tài chính toàn cầu thể hiện sự lo lắng cực lớn, nó thể hiện qua thị trường chứng khoán của Mỹ đã giảm thấp nhất trong vòng 44 năm qua và chỉ số Dow Jone đã mất đi 32% so với đỉnh cao nhất đạt được trong những tháng vừa qua.

Có thể nói, chính sách tiền tệ là sự hỗ trợ tích cực từ phía NHTW, tuy nhiên sự kỳ vọng của các doanh nghiệp còn hơn cả việc sử dụng các công cụ về chính sách của NHTW các nước, đó là mong chờ các gói về miễn giảm thuế cũng như sẽ sớm có được vắc xin chữa bệnh đối với Covid-19 lần này.

Đối với các khoản vay vốn, các doanh nghiệp mong chờ sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ hệ thống các ngân hàng như tái cơ cấu thời gian trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ. Đối với những hợp đồng vay vốn, các doanh nghiệp rất kỳ vọng các ngân hàng thương mại Việt Nam giảm lãi suất cho vay, thậm chí là có thời gian miễn lãi suất cho họ, ngân hàng có thể hỗ trợ đối với việc khoanh nợ, giãn nợ vã có những có chính sách kịp thời như tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách trực tiếp hơn nữa để cho các doanh nghiệp sớm tìm ra các giải pháp để họ có thể trụ được trong thời gian khó khăn lần này.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 17/03/2020:

Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6.0%/năm xuống 5.0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4.0%/năm xuống 3.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7.0%/năm xuống 6.0%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4.0%/năm xuống 3.5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0.8%/năm xuống 0.5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5.0%/năm xuống 4.75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5.5%/năm xuống 5.25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 6.0%/năm xuống 5.5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7.0%/năm xuống 6.5%/năm.

Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1.0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0.05%/năm.

Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1.0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0.05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1.0%/năm.

Ái Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Sacombank chung tay phòng chống dịch Covid-19 (17/03/2020)

>   HDBank chung tay chống dịch (17/03/2020)

>   Những lần thay đổi lãi suất điều hành của NHNN (17/03/2020)

>   NHNN giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 17/03 (16/03/2020)

>   Nhà băng nào có cơ cấu thu nhập thay đổi nhiều nhất trong 3 năm qua? (21/03/2020)

>   Ảnh hưởng Covid-19: TPHCM kiến nghị giãn, giảm thuế và giảm giá điện (16/03/2020)

>   Ngân hàng linh hoạt với những gói giải pháp cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch (16/03/2020)

>   Fed tung gói hỗ trợ chưa từng có, tác động thế nào với Việt Nam? (16/03/2020)

>   NAPAS miễn giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng lần 2 (16/03/2020)

>   SSI Research: ‘NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành trong tháng 3’ (16/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật