Thứ Hai, 16/03/2020 16:13

Fed tung gói hỗ trợ chưa từng có, tác động thế nào với Việt Nam?

Việc Fed cắt giảm lãi suất về ngưỡng 0-0,25% đi cùng gói nới lỏng định lượng (QE) 700 tỷ USD được xem là “phát bắn của khẩu súng mạnh nhất trong kho vũ khí” của cơ quan này.

* Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu bất chấp Fed cắt giảm lãi suất

* Dịch bệnh COVID-19 lây lan, Fed giảm lãi suất về gần 0%

Đêm qua (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra gói hỗ trợ thứ 2 trước những tác động rõ rệt của dịch Covid-19 vào nền kinh tế nước này mà không cần chờ đến cuộc họp chính thức ngày 17-18/3.

Gói hỗ trợ bao gồm, giảm 1% điểm lãi suất, xuống mức 0-0,25%, thấp nhất kể từ năm 2015 và gói nới lỏng định lượng (QE) với việc cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TTCP).

Hành động được các chuyên gia thế giới nhận định là “phát bắn của khẩu súng mạnh nhất trong kho vũ khí” mà Fed nắm giữ. Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng gọi đây là gói hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có của Mỹ.

Gói hỗ trợ chưa từng có

Theo TS Cấn Văn Lực, trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, đầu tháng 3, Fed đã cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống mức 1-1,25% nhưng biện pháp này chưa đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế khi dịch bùng phát mạnh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Bloomberg.

Gói hỗ trợ nền kinh tế thứ 2 được tung ra đêm ngày 15/3 (giờ Việt Nam) gồm 4 biện pháp chính, cắt giảm lãi suất cơ bản về 0-0,25%; áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) 700 tỷ USD thông qua việc mua TTCP và chứng khoán thế chấp bằng nhà ở; hạ lãi suất cho vay tái chiết khấu 1,25 điểm %, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0%; cho phép hoán đổi tiền tệ với 5 ngân hàng trung ương (NHTW) của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Thụy Sỹ.

Nguyên nhân khiến Fed lần thứ 2 phải giảm lãi suất khẩn cấp chỉ trong tháng 3 do cơ quan này đánh giá những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 tới kinh tế xã hội Mỹ và thế giới lớn hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng và chưa được kiểm soát tại Châu Âu và Mỹ; thị trường tài chính khu vực này đã có dấu hiệu căng thẳng từ thứ Năm (12/3) khi nhu cầu đầu tư TTCP Mỹ tăng đột biến và thị trường chứng khoán giảm mạnh tuần vừa qua.

Trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt là 10,4% và 8,8%; Euro Stoxx 600 giảm 15,5% và FTSE (Anh) giảm 17%.

Tác động thế nào tới Mỹ và thế giới?

Theo nghiên cứu của ông Lực và các chuyên gia, việc tung gói hỗ trợ nhiều giải pháp của Fed lần này cho thấy sự chủ động hơn với thị trường và nền kinh tế. Qua đó, có thể giảm bớt các tác động của dịch bệnh tới thị trường tài chính Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nó khó bền vững do dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và các nước (đặc biệt là châu Âu) chưa cho thấy khả năng kiểm soát dịch tốt.

Bên cạnh đó, việc cơ quan này liên tiếp cắt giảm lãi suất, hiện đã về mức thấp kỷ lục 0-0,25% sẽ làm giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động đầu tư, tiêu dùng. Tuy nhiên, với người dân và doanh nghiệp, việc hạ lãi suất cơ bản cũng như nói lỏng định lượng chưa phải là nhu cầu bức thiết vì chính sách này có độ trễ. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp nước này có nhu cầu tiền mặt, thanh khoản tức thời để chi tiêu và trả các khoản phí cấp bách.

Vì vậy, động thái của Fed nhằm hỗ trợ thị trường tài chính nhiều hơn là nền kinh tế.

FED giảm lãi suất về mức thấp tương đương thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009. Biểu đồ: Bloomberg.

Chính vì vậy, Fed mong đợi Chính phủ và Quốc Hội Mỹ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc cung cấp các gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Động thái của Fed cũng cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ rất khó khăn, nhiều rủi ro, trong bối cảnh nước này bắt đầu chịu tác động rõ nét hơn bởi dịch Covid-19. Vì vậy, ngay sau khi Fed công bố gói hỗ trợ thứ 2 này, các chỉ số tương lai đều giảm với Dow Jones Futures giảm 4,6%, S&P Futures giảm 4,78%…

Hành động của Fed cũng sẽ kéo theo làn sóng NHTW các nước hạ lãi suất dù dư địa không còn nhiều, do lãi suất cơ bản hiện nay của các nước đã rất thấp như Anh là 0,25%; Australia là 0,5%; Canada là 1,25%... Thậm chí, lãi suất cơ bản của một số nước đã ở mức âm như Nhật Bản -0,1%, NHTW châu Âu - ECB là -0,5%…

Ngoài ra, việc hạ lãi suất cơ bản và lãi suất tái chiết khấu, nới lỏng định lượng (700 tỷ USD) sẽ làm tăng thanh khoản cho thị trường. Nhà đầu tư sẽ tìm đến các công cụ an toàn như TTCP và vàng, khiến giá các tài sản này tiếp tục tăng giá, đồng nghĩa là lợi suất trái phiếu Mỹ có thể giảm dù đã ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cũng do việc dư thừa thanh khoản mà dòng vốn đầu tư gián tiếp dịch chuyển vào những nước an toàn hơn, ít chịu tác động bởi dịch bệnh hơn.

Tác động đối với Việt Nam

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, việc Fed và NHTW các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản trong thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành của Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng việc NHNN dùng công cụ hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều trong bối cảnh hiện nay.

Điều mà người dân và doanh nghiệp đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ. Vì vậy, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ, miễn giảm phí/thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, tăng chi tiêu đầu tư công…

Động thái của Fed cũng sẽ tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Việt Đức.

Áp lực này có thể khiến cơ quan quản lý xem xét giảm nhẹ lãi suất điều hành, nhưng tác động sẽ không nhiều và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện khá eo hẹp do áp lực lạm phát lớn.

Theo đó, chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm đã tăng 5,91% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 7 năm (mục tiêu là 4%), trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% (mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%).

Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0,1% (cùng kỳ là 0,85%).

Ông Lực cũng cho rằng, động thái của Fed sẽ tác động không đáng kể đến tỷ giá USD/VND. Do nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn cùng với lãi suất giảm sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng bạc xanh giảm giá.

Với thị trường chứng khoán trong nước, động thái này của Fed sẽ có tác động hai chiều. Một mặt, với thanh khoản dồi dào hơn, dòng tiền đầu tư sẽ tìm đến những thị trường an toàn hơn, ít chịu tác động tiêu cực bởi dịch. Vì vậy, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội sẽ là động lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Mặt khác, nhà đầu tư cũng chịu tác động tâm lý khá lớn, có thể khiến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam sụt giảm.

Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc có thể giảm lãi suất điều hành ở một mức độ nhất định nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Quang Thắng

Zing.vn

Các tin tức khác

>   NAPAS miễn giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng lần 2 (16/03/2020)

>   SSI Research: ‘NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành trong tháng 3’ (16/03/2020)

>   VietinBank dành gần 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp (16/03/2020)

>   MSB tặng bảo hiểm Corona Guard miễn phí cho khách hàng (16/03/2020)

>   SCB được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu  (15/03/2020)

>   BIDV bổ nhiệm thêm 4 Phó Tổng Giám đốc (14/03/2020)

>   Doanh nghiệp nào được giảm lãi, chậm trả nợ vì Covid-19? (13/03/2020)

>   Áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ (13/03/2020)

>   HDBank miễn giảm phí chuyển tiền cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân (13/03/2020)

>   Ông Nguyễn Thanh Nhung từ nhiệm Tổng Giám đốc Vietbank (13/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật