Sửa đổi quy định phát hành TPDN: ‘Siết’ thế nào cho đúng?
Giới hạn về tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu, tần suất phát hành, lãi suất phát hành với trái phiếu doanh nghiệp… phải chăng là động thái “siết” kênh huy động trái phiếu?
Nghị định 163 quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo hình thức riêng lẻ được ban hành, mở đường cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, thị trường TPDN đã có bước tăng trưởng vượt bậc năm 2019.
Theo thống kê công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2019, có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300,588 tỷ đồng trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280,141 tỷ đồng, tương đương 93.2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Trong tháng 1/2020, tổng lượng phát hành TPDN trong nước đã đạt 11,603 tỷ đồng, trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản chiếm 75%.
Việc thị trường trái phiếu tăng trưởng quá nóng đi kèm với một số hiện tượng có thể tác động tiêu cực lên thị trường chung, buộc Bộ Tài chính lên kế hoạch xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo sửa đổi bổ sung quy định về: phạm vi, điều kiện, lãi suất, phương thức phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước và quốc tế; cơ chế công bố thông tin và chế độ báo cáo.
Dự thảo cũng đề xuất những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là Nghị định sửa đổi theo như dự thảo đang thực hiện lấy ý kiến có phải là động thái “siết chặt” lại hoạt động trái phiếu của doanh nghiệp?
Theo những phân tích của Bộ Tài chính, việc sửa đổi Nghị định chủ yếu nhằm điều chỉnh một số hiện tượng lệch chuẩn trong phát hành TPDN.
Với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu, xu hướng nhà đầu tư cá nhân tham gia ngày càng tăng gồm cả nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế và không có kinh nghiệm đầu tư. Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.
Từ hiện trạng này, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh phạm vi giao dịch phát hành trái phiếu riêng lẻ trong suốt vòng đời chứng khoán, chủ yếu nhằm bảo vệ những nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa nắm đầy đủ thông tin, không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro.
Ngoài ra, Nghị định cũng nhắm tới điều chỉnh hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt mà không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh hay phát hành trái phiếu độ rủi ro cao.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2019, có 11 doanh nghiệp phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục tiêu sử dụng vốn, phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu!?
Vì vậy, Dự thảo sửa đổi đề ra mức tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, mặt khác, cũng đưa ra quy định về khoảng cách giữa các đợt phát hành là 6 tháng.
Ở phương diện lãi suất, những doanh nghiệp huy động vốn qua kênh này với lãi suất cao 18-20%/năm, gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vốn. Do đó, Nghị định sửa đổi quyết định đặt mức trần lãi suất nhằm tránh trường hợp chạy đua lãi suất làm ảnh hưởng tới lãi suất huy động.
Song song với đó là những quy định chặt chẽ hơn về việc công bố thông tin, sử dụng tổ chức tư vấn… Tất cả đều nhằm mục đích đưa phát hành TPDN vào đúng quỹ đạo, là phục vụ nhu cầu vốn chính đáng của doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.
Với những điều chỉnh này, các doanh nghiệp phát hành với nhu cầu huy động vốn thực chất, lành mạnh không chịu nhiều điều chỉnh. Nói đơn giản là “cây ngay không sợ chết đứng”.
Ở khía cạnh tài chính, doanh nghiệp tận dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và đưa ra mức lãi suất quá cao (đồng nghĩa với chi phí vốn cao) sẽ tự đặt mình vào thế bí, cho nên, doanh nghiệp kinh doanh thực chất và có nội tại sẽ chẳng dại gì mà “mua dây buộc mình” bằng việc huy động vốn vượt vốn điều lệ quá lớn cũng như lãi suất “trên trời”.
Trước mắt, dự thảo đang mang tính đóng góp nhằm điều tiết tình trạng tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu. Tuy vậy, trong giai đoạn lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, vẫn cần phải xem xét và điều chỉnh chi tiết của dự thảo để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu thấp sẽ hạn chế trong việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành riêng lẻ. VCCI đánh giá đối với những trường hợp huy động vốn gấp 50 lần, thậm chí 100 lần vốn chủ sở hữu thì việc hạn chế là cần thiết. Thời gian vừa qua, vấn đề chống vốn mỏng đã được đưa vào đề xuất Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó đưa ra các tỷ lệ 5:1; 4:1; 3:1 cho các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, VCCI đưa ra đề nghị cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng nâng tỷ lệ này lên 5 lần hoặc cao hơn để phù hợp với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau của các doanh nghiệp.
Trái phiếu tất nhiên không phải là kênh duy nhất mà doanh nghiệp có thể huy động vốn. Một doanh nghiệp tốt, nếu không thông qua trái phiếu vẫn có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, tín dụng ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu ra công chúng (công khai và minh bạch hơn). Song, đây là nhu cầu hiện hữu đối với doanh nghiệp, do đó, tạo ra môi trường bình đẳng về cơ hội là yếu tố mà nhà lập pháp luôn phải chú trọng trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, việc điều chỉnh phải làm sao để mọi doanh nghiệp đều có thể thuận lợi tiếp cận nguồn vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp theo nhu cầu đường hướng kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo mọi rủi ro đều nằm trong tầm kiểm soát.
Chí Kiên
FILI
|