Thứ Hai, 16/03/2020 09:04

Phải tạm dừng kinh doanh để chống dịch, làm sao tránh thiệt hại?

Thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp khi phải tạm dừng hoạt động vũ trường, quán bar, quán kaoraoke… để phòng chống dịch COVID-19 là không thể phủ nhận. Vậy có thể làm gì để hạn chế thiệt hại, nhất là phải bồi thường cho đối tác?

* Vận động vũ trường, rạp chiếu phim… ở Hà Nội đóng cửa hết tháng 3

Phải tạm dừng kinh doanh để chống dịch, làm sao tránh thiệt hại? - Ảnh 1.
Khách nước ngoài ngỡ ngàng khi hàng loạt cơ sở kinh doanh ở TP.HCM đóng cửa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc các cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh nêu trên để chống dịch COVID-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định pháp luật không? Các giao dịch liên quan đến việc cung ứng hàng hóa, thuê mặt bằng sẽ được giải quyết thế nào, có được miễn trừ nghĩa vụ hay không là điều mà người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm.

Lý do "bất khả kháng"

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì việc chính quyền TP Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương chỉ đạo tạm dừng hoạt động các quán bar, vũ trường, quán karaoke, massge… là cần thiết và cần được ủng hộ từ phía người dân.

Theo khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".

Một sự kiện được xem là bất khả kháng phải hội đủ các yếu tố cơ bản, đó là:

Thứ nhất, "Xảy ra khách quan không thể lường trước được": yếu tố này được hiểu là những sự kiện xảy ra nằm ngoài phạm vi kiểm soát của con người như thiên tai, động đất, sóng thần, dịch bệnh, chiến tranh… mà tại thời điểm thực hiện thỏa thuận hoặc trong quá trình thực hiện thỏa thuận không lường trước được hậu quả xảy ra.

Thứ hai, "Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép": yếu tố này được hiểu là sự kiện mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được những hậu quả do sự kiện khách quan không lường trước được gây ra.

Ngày 29-1-2020, Bộ Y tế đã có Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung dịch bệnh COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, các bệnh truyền nhiễm nhóm A là những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Tiếp đến, ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg vê việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu".

Như vậy, có đủ yếu tố pháp lý để xác định dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam là sự kiện bất khả kháng.

Cần làm gì để giảm thiệt hại?

Về nguyên tắc, khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng tại thời điểm thực hiện các giao dịch hoặc trong quá trình thực hiện giao dịch thì bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Vì vậy, để biết mình có thuộc trường hợp "có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác", các cá nhân, doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ (cung cấp hàng, thuê mặt bằng...) cần kiểm tra lại điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng.

Thông thường, trong các hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại có điều khoản thỏa thuận khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền về sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm.

Do quyết định tạm dừng hoạt động chỉ trong ngắn hạn (có thể kéo dài thêm một thời gian nhất định), đồng thời dịch bệnh này không phải kéo dài vộ tận nên tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bên có thể thỏa thuận lại thời gian tiếp tục thực hiện hợp đồng, quyền, nghĩa vụ sau khi sự kiện bất khả kháng kết thúc.

Đơn cử như người thuê mặt bằng kinh doanh có thể thỏa thuận với chủ nhà, trong thời gian bị ảnh hưởng của lệnh dừng hoạt động do dịch COVID-19, chủ nhà không thu tiền thuê nhà chẳng hạn. Đây cũng là cách để các bên hợp tác, chia sẻ rủi ro khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Cũng từ sự kiện này, các cá nhân, doanh nghiệp khi ký kết các hợp đồng, nhất là đối với đối tác nước ngoài, cần thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, việc thông báo, thời điểm áp dụng sự kiện bất khả kháng.

Do pháp luật có điều kiện mở về việc một bên có nghĩa vụ với bên có quyền vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự khi "có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" nên các bên vẫn có quyền thỏa thuận theo hướng người có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện bất khả kháng xảy ra. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn cho mình điều khoản thỏa thuận phù hợp nhất.

Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi ký hợp đồng thường ít chú ý đến các điều khoản này nên khi xảy ra các sự kiện như thế này dễ bị thua thiệt. Vì vậy, sự kiện bất khả kháng do COVID-19 là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam rà soát lại giao dịch của mình, nhất là đối với đối tác nước ngoài, để tránh bị thua thiệt.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Trả giá vì đầu cơ 17.700 chai nước rửa tay (16/03/2020)

>   Giá thuê nhà phố giảm mạnh giữa mùa dịch (14/03/2020)

>   Đỡ nhau 200 triệu, sống qua mùa dịch, khoẻ rồi tính tiếp (13/03/2020)

>   'BĐS bán lẻ như bong bóng sắp vỡ, chủ nhà cần thay đổi cách nhìn' (11/03/2020)

>   'Tôi là chủ nợ mà bị Leflair đối xử quá tệ' (11/03/2020)

>   Trả 120 triệu một tháng vẫn không thuê nổi cửa hàng ở quận 1 (07/03/2020)

>   Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh (06/03/2020)

>   Gánh nặng 'kinh tế mặt tiền' (06/03/2020)

>   Hàng quán đóng cửa đồng loạt, chủ nhà vẫn không giảm giá thuê (05/03/2020)

>   Hàng loạt cửa hàng ăn uống đóng cửa (05/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật