Gánh nặng 'kinh tế mặt tiền'
Hàng loạt mặt bằng trên những tuyến đường đẹp của TP.HCM như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Phan Xích Long... bỏ trống, tìm người thuê, thoạt tưởng bất thường nhưng với thị trường, điều đó hoàn toàn bình thường!
* Trả mặt bằng kinh doanh hàng loạt ngay trung tâm quận 1
Giá thuê mặt bằng quá cao, khoảng 99 triệu đồng/tháng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này đi đến quyết định đóng cửa tiệm cà phê của mình tại khu Phan Xích Long - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Khác với cách vận hành cho thuê mặt bằng bán lẻ trong những trung tâm thương mại, mỗi chính sách điều hành của đơn vị quản lý sẽ ảnh hưởng cả ngàn người thuê, việc đi thuê nhà mặt tiền là giao dịch thuận mua vừa bán của từng người kinh doanh và chủ nhà.
Nhìn chung tâm lý của đại đa số người kinh doanh là phải ở mặt tiền. Từ đó đã kéo theo một làn sóng đầu tư nhà mặt tiền để cho thuê. Giá nhà mặt tiền cứ thế leo thang, đẩy giá thuê tăng ngất ngưởng, buộc người đi thuê phải chịu đựng gánh nặng phí mặt tiền.
Toàn bộ tiền thuê mặt bằng được tính vào giá bán. Bởi thế có người nói người bán, người mua nuôi người cho thuê mặt bằng.
Thế nhưng dịch bệnh COVID-19 đã làm "lộ" ra những bất cập của giao dịch kinh tế nhỏ của các tiểu thương về thói quen "nghiện" kinh doanh dựa trên nhà mặt tiền, mô hình kinh doanh kém hiệu quả, chấp nhận thuê mặt bằng cao ngất ngưởng với hi vọng có khách.
Cách đây không lâu, nhà mặt tiền, nhất là mặt tiền ở những tuyến đường trung tâm, sầm uất là cuộc giành giật giữa các nhà kinh doanh từ trà sữa, nhà hàng, quán cà phê đến thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp... Giá cho thuê nhà mặt tiền (hay nhà phố) tăng chóng mặt, tăng đến mức nghe phi lý cả ngàn USD/m2.
Thử làm phép tính đơn giản: hai tô phở như nhau, chi phí nguyên vật liệu, nhân công không đổi, chỉ khác chi phí mặt bằng. Tô phở bán ở quán mặt tiền từ 50.000 đồng trở lên, trong khi tô phở trong hẻm thì chỉ 35.000 - 40.000 đồng. Chênh lệch giá bán là do mặt bằng, đó là chi phí không hiệu quả - chi phí không tạo ra năng suất biên hay thậm chí là giá trị gia tăng.
Giá cho thuê nhà mặt tiền cao phi lý cũng góp phần gia tăng bất bình đẳng thu nhập, làm méo mó dòng chảy tín dụng. Tín dụng tạo ra sức mua, yếu tố có thể thúc đẩy đầu tư sản xuất. Nhưng một phần tín dụng có thể lãng phí, như đưa vào bất động sản đã hình thành, qua đó làm tăng bong bóng giá tài sản, làm gia tăng rủi ro tài chính quốc gia.
Giả sử, nếu Nhà nước đánh thuế thu nhập/doanh thu đặc biệt với các loại hình kinh doanh dựa vào mặt tiền (gọi là "thuế mặt tiền") sẽ có nhiều cái lợi.
Thứ nhất, góp phần giảm bớt sức ép lên giá cả và lạm phát. Thứ hai, giá nhà mặt tiền không tăng quá nóng, chi phí giải phóng mặt bằng để mở rộng đường cũng có cơ hội rẻ đi. Kèm theo đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè giảm dần, chính quyền từng bước có thể hoàn thiện việc chỉnh trang đô thị cho văn minh hơn.
Khi các khu thương mại, khu dân cư và cụm dịch vụ dân sinh được quy hoạch tập trung và đồng bộ tốt hơn, các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt... sẽ phát huy được tối đa hiệu quả phục vụ và dần thay thế được xe máy.
Hơn hai tháng có dịch COVID-19 đã đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh, buộc doanh nghiệp, đặc biệt là tiểu thương phải điều chỉnh thói quen kinh doanh. Sức ép càng lớn hơn khi thương mại điện tử phát triển rầm rộ, doanh nghiệp muốn tồn tại phải tham gia chuyển đổi số, thích nghi với cung cách kinh doanh mới, sớm thoát ra khỏi gánh nặng chi phí "kinh tế mặt tiền".
PHẠM VIỆT ANH - NHƯ BÌNH ghi
Tuổi trẻ
|