Nhiều TTCK châu Á tạm ngắt giao dịch bất chấp biện pháp chưa từng thấy của các NHTW toàn cầu
Thiết bị ngưng giao dịch tự động đã được kích hoạt tại Manila, Jakarta và Seoul
Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dài trước nỗi lo sợ của giới đầu tư về tình trạng suy thoái toàn cầu. Các thiết bị ngưng giao dịch tự động (circuit breakers) đã hoạt động thậm chí khi các Chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu áp dụng các biện pháp chưa từng thấy nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng y tế công cộng.
Các sàn chứng khoán từ Manila và Jakarta đến Seoul và Karachi (thủ đô của Pakistan) đã phải tạm ngừng giao dịch trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (19/03).
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Philippines chìm tới 24% khi giao dịch trở lại sau 2 ngày đóng cửa, khiến sở giao dịch phải xem cân nhắc áp dụng các quy định về ngắt giao dịch tự động. Chỉ số chứng khoán chính của nước này sau đó đã rút ngắn đà lao dốc và đóng cửa với mức giảm kỷ lục 13%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng hạ sâu tới 9.5% trong khi chỉ số chứng khoán chính của Indonesia sụt 5% trước khi tạm ngừng giao dịch lần thứ tư trong 6 phiên.
Chỉ số chứng khoán chính của châu Á rớt tới 4.1% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 sau khi tăng 1% vào đầu phiên khi nhà đầu tư nhanh chóng quay lưng với thông tin về chương trình mua trái phiếu khẩn cấp bổ sung trị giá 750 tỷ EUR (tương đương 820 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
“Hoạt động margin calls, thanh lý, và bán tháo cưỡng chế cũng như rút vốn đang hình thành một vòng xoáy ngày càng tiêu cực”, nhận định của Margaret Yang, chiến lược gia tại CMC Markets Singapore Pte. cho biết.
Các quầy giao dịch tiếp tục bàn luận về việc “bán sạch mọi thứ” trừ đồng USD, với các đợt rút vốn khổng lồ và giảm đòn bẩy diễn ra ở khắp mọi nơi. Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Các ngân hàng trung ương Đài Loan và Indonesia dự kiến nhóm họp vào ngày thứ Năm để quyết định liệu có thực hiện thêm các hành động mới nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh do virus corona gây ra.
Trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã hạ lãi suất tiền mặt xuống 0.25%. Tương tự, Philippines cũng cắt lãi suất bớt 0.5%, mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi nước này chuyển sang áp dụng hành lang lãi suất vào năm 2016.
Dù vậy, các nhà quản lý quỹ chủ động cho rằng các mức định giá rẻ của cổ phiếu châu Á đang mang lại cơ hội mới cho các nhà gom cổ phiếu”. Theo Fidelity International Ltd., sự biến động mạnh của thị trường đã dẫn đến tình trạng chênh lệch đáng kể giữa giá và các giá trị nội tại của các cổ phiếu châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Tuệ Nhiên (Theo Bloomberg)
FILI
|