Người Việt đang dùng ví điện tử để thanh toán gì?
Khảo sát với những ví điện tử có lượng sử dụng nhiều nhất hiện nay cho thấy nhu cầu sử dụng dùng ví điện tử của người Việt vẫn còn... loanh quanh ở một số giao dịch nhất định.
Tuy khảo sát không đi đến kết luận đó, nhưng rõ ràng với kết quả chỉ ra, nếu để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ, thì kỳ vọng người Việt nâng tầm thói quen thanh toán số qua ví điện tử vẫn còn những giới hạn.
Khảo sát được thực hiện bởi Cimigo, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập và đã triển khai tại 2 địa bàn Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng 505 đáp viên độ tuổi từ 18 đến 45. Tại thời điểm tiến hành khảo sát (quý 4/2019), đáp viên có sử dụng ví điện tử trong một tháng qua và sử dụng ví điện tử ít nhất 4 lần trong 2 tháng qua.
Momo, Moca và ZaloPay được "gọi tên"
Kết quả bước đầu cho thấy, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam, các ví này chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ. Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ số về tần suất sử dụng và giá trị chi tiêu trung bình hàng ngày của các ví điện tử phổ biến trên thị trường đều đang ở mức cao. Cụ thể, người dùng chi tiêu trung bình 230.000 – 274.000 VND/giao dịch, với tần suất khoảng 1,6 – 2,2 giao dịch/ngày. Trong đó, người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch.
Về giá trị giao dịch, người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.
Ví điện tử cho dịch vụ truyền thống sẽ còn tăng trưởng
Bà Lê Xuân Phương – Phó Giám Đốc nghiên cứu tại Cimigo nhận định: "Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới. Theo đó, các ví điện tử đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ... được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Trong khi đó, các ví điện tử cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn… đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng phát triển to lớn”.
Cũng theo đơn vị khảo sát, xét về mức độ hài lòng khi sử dụng, Moca, Momo và ZaloPay có số điểm gần như ngang nhau. Tuy nhiên, lý do ảnh hưởng đến điểm số này có phần khác nhau. Theo đó, “ít gặp lỗi khi thanh toán” tác động nhiều nhất lên sự hài lòng của người dùng đối với ví Momo và Moca, trong khi yếu tố “dễ sử dụng” đóng vai trò chính đối với sự hài lòng của người dùng với ZaloPay.
Cũng trong 3 ví này, người dùng Moca có mức độ sẵn lòng giới thiệu thương hiệu tốt, với điểm số là 8,6, nhỉnh hơn ZaloPay và Momo lần lượt có điểm số 8,5 và 8,3. Xét về mức độ gắn bó của người dùng, Moca hiện cũng đang là ví điện tử dẫn đầu với 95% khách hàng sử dụng Moca nói rằng họ vẫn tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mãi. Tỷ lệ này của Momo là 89% và ZaloPay là 84%.
“Hiện nay, khuyến mãi là một trong những chiến lược hàng đầu được áp dụng để thuyết phục người dùng sử dụng thương hiệu. Theo nghiên cứu, các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến việc lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng. Do vậy, khi người dùng đã lựa chọn một thương hiệu ví điện tử và nói rằng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng dù không còn khuyến mãi, thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy thương hiệu được sử dụng vì có khả năng đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu thực sự về dài hạn”, bà Lê Xuân Phương nói thêm.
Điều này cũng được là dễ hiểu khi Moca hiện đang là một trong những ví gắn với dịch vụ vận tải công nghệ có thị phần lớn ở Việt Nam là Grab. Trong khi đó, Momo có sự xâm lấn vào thị trường dịch vụ công để cung cấp cổng thanh toán cho các loại hóa đơn định kỳ khá mạnh mẽ. Momo hiện cũng đang được đánh giá tích cực với những liên kết thanh toán cùng các nhà phân phối bán lẻ có thị phần lớn như Saigon Co.op và khá mạnh tay để hút khách hàng qua các chương trình khuyến mãi.
Điển hình như chương trình hoàn tiền từ 30%, cá biệt có lúc tới 50% (giới hạn số tiền) khi khách hàng mua sắm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, Ministop, Family Mart, GS25...Tuy chương trình cũng gây nhiều "phản ứng phụ", song đây là việc chọn kênh để tiếp cận và kích hoạt khách hàng mở ví thanh toán điện tử khá thực tế của Momo. Trong khí đó, ZaloPay lại là một trong những "nhà hoàn tiền" tích cực nhất trên mảng miếng nạp thẻ điện thoại...
Nhìn chung, một chuyên gia chia sẻ người dùng không thể ngày nào cũng nạp tiền điện thoại, trong khi đó nhu cầu đặt đồ ăn và gọi xe, qua ứng dụng giao đồ ăn, giao hàng và di chuyển hay của Grab và các ứng dụng khác, hay mua sắm tiện lợi lại khá phổ biến, thường xuyên. Do đó, đây cũng là một gợi ý cho sự phát triển của các loại ví điện tử khi gắn cùng các dịch vụ và trở thành nhà cung cấp cổng thanh toán phù hợp cho những dịch vụ/ ứng dụng phục vụ nhu cầu thiết thực của đời sống và đang tiến đến hoàn thiện theo dạng chuỗi/ hệ sinh thái.
Người dùng chọn ví điện tử dựa trên tiêu chí nào?
Qua kết quả nghiên cứu, Cimigo cũng chỉ ra 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng bao gồm: Giao diện thân thiện, dễ sử dụng; Có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; An toàn và bảo mật; Liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; Được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; Đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.
Bà Lê Xuân Phương cho biết: “Việc xây dựng một ví điện tử có giao diện thân thiện, dễ sử dụng đi kèm với các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên là hai tiêu chí mang tính thúc đẩy, giúp thương hiệu gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, trước khi nghĩ đến việc xây dựng các yếu tố mang tính thúc đẩy đó, ví điện tử cần phải đảm bảo tốt các vấn đề như an toàn và bảo mật, liên kết với nhiều ngân hàng cũng như đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán, các tiêu chí vốn được liệt vào nhóm nhân tố cơ bản trong việc lựa chọn ví điện tử.”
Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ mới đạt được 14% theo nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bối cảnh này đã tạo ra sân chơi tiềm năng giúp các thương hiệu ví điện tử phát triển và dần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của đại đa số người dân Việt Nam, từ đó góp phần tích cực đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.
Trong tình hình dịch COVID-19 đang chuyển biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt và tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm ví điện tử, theo đó sẽ ngày càng trở thành xu thế thanh toán được nhiều người dùng ưa chuộng.
Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp
|