Thứ Ba, 24/03/2020 09:00

Nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khủng hoảng 2008

Dịch cúm Covid-19 bùng phát từ đầu năm tại Trung Quốc đã lây lan sang toàn thế giới. Không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà virus này đã kéo toàn bộ nền kinh tế đến mức báo động đỏ. Nếu dịch bệnh này chưa được kiểm soát và còn kéo dài trong thời gian tới, chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đại suy thoái toàn cầu.

* Các nhà kinh tế học hàng đầu nói gì về dịch corona?

Khó khăn đến từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động ngược lại nội địa

Ts. Đinh Thế Hiển

TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế dự đoán, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn so với khủng hoàng tài chính năm 2008 nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài.

Việt Nam có 2 lĩnh vực kinh tế chính là nội địa và xuất khẩu. Kinh tế xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và các thị trường còn lại. Vào giai đoạn 2017-2019, do sự chuyển dịch kinh tế toàn cầu, nền kinh tế xuất khẩu thị trường ngoài Trung Quốc đang phát triển mạnh, do đó, Việt Nam đã tăng trưởng sản xuất sang thị trường Mỹ thay vì Trung Quốc và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí có chuyên gia lúc trước còn nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dịch cúm Covid-19 khi các nhà máy quyết liệt rời khỏi Trung Quốc – nơi khởi phát của dịch cúm Corona.

Đến hiện nay, tình hình dịch bệnh chỉ mới có dấu hiệu chững lại tại Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng lại đang lan rộng và căng thẳng tại hầu hết các nước trên Thế giới, nhất là ở Châu Âu và Nam Á.

Theo ông Hiển, trước những dấu hiệu dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn thế giới, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động. Nếu tình hình này kéo dài, thì 2 thị trường xuất nhập khẩu liên quan đến nước ngoài gồm cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng.

Về thế giới, sự chuyển dịch nhà máy có thể chậm lại do Covid-19 lây lan toàn cầu tác động đến tiến trình lập nhà máy, việc đầu tư trong nước sang các thị trường phát triển chắc chắn bị chậm lại.

Còn về thị trường kinh tế nội địa Việt Nam, trong 3 năm gần đây, số việc làm tăng lên rất nhiều, khiến thu nhập người dân tăng lên, góp phần quan trọng cho nguồn cầu nội địa. Nếu thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển bị chậm lại do ảnh hưởng toàn cầu, chắc chắn thị trường cầu nội địa cũng bị ảnh hưởng theo do việc làm bị thu hẹp, khiến cho thu nhập giảm. Thêm nữa, những năm gần đây, Việt Nam tăng mạnh về hoạt động, thương mại, bán lẻ, du lịch và đầu tư bất động sản, nhất là đầu tư sang hướng các ngành du lịch, chắc chắn những ngành này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước bị phá sản.

Như vậy, nếu dịch kéo dài sang quý 2, thậm chí đến quý 3 thì rất nhiều ngành nghề trong nước kể cả xuất nhập khẩu và nội địa đều gặp khó khăn.

Việt Nam chưa từng gặp khó khăn như thế này, trước đây, khó khăn kinh tế tại Việt Nam chỉ ảnh hưởng cục bộ. Kể cả năm 2011-2012, tín dụng tăng mạnh, khó khăn cũng chủ yếu do chính sách tiền tệ trong nước, đầu tư tăng trưởng tín dụng quá mức chứ không phải do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hồi khủng hoảng năm 2008, những yếu tố kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa hội nhập, vẫn chủ yếu dựa vào nội địa, trong khi nội địa khi đó còn nhiều dư địa phát triển về hạ tầng, đường sá, phát triển đô thị, giao thương hàng hóa trong nước, những chuyện tự cung cấp cũng biến thành yếu tố hàng hóa để luân chuyển. Kinh tế nội địa lúc đó còn nhỏ nên còn nhiều dư đại phát triển, tăng cường thay cho khó khăn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Còn bây giờ, khó khăn đến từ kinh tế toàn cầu tác động ngược lại nội địa. Những nguồn lực của Việt Nam chưa quen đối phó với những khó khăn thế này, do đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu Covid-19 kéo dài.

Rõ ràng dịch cúm Covid-19 tác động đến kinh tế năm nay nặng hơn. Kinh tế Việt Nam hội nhập khá sâu với toàn cầu, nền kinh tế gắn chặt với kinh tế thế giới, nên khi bị tác động thì tất cả các lĩnh vực từ xuất nhập khẩu đến nội địa đều bị ảnh hưởng nên khó khăn nhiều hơn. Khối lượng khó khăn cần giải quyết nhiều hơn và động lực để giải quyết cần nhiều hơn.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dưới mức 6%

TS. Bùi Quang Tín

Trong khi đó, đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên ngành ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín - Chuyên gia kinh tế cho rằng chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng và phải đến năm 2021 mới có thể hồi phục.

Theo một số thống kê, nếu như dịch bệnh lần này kéo dài đến cuối quý 2/2020 thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dưới mức 6% còn nếu như kéo dài đến cuối tháng 3/2020 thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở tầm 6.1-6.3%. Có thể nói rằng hoạt động của hệ thống ngân hàng là hết sức quan trọng vì là một trong những định chế tài chính trung gian và nếu như hoạt động này kém hiệu quả thì nó sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nói chung. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ ở mức 0.1%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng trưởng gần 1%, đây là tác động thứ nhất.

Còn tác động thứ hai, nếu như các ngân hàng cùng đồng thuận với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp như giảm lãi suất, tái cơ cấu thời gian trả nợ, khoanh nợ, giãn nợ… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Ngoài ra có rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam và trên thế giới đang trong quá trình tái cơ cấu lại đội ngũ nhân sự và có thể họ sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự trong thời gian tới để giảm chi phí hoạt động thì đây cũng chính là một trong yếu tố biểu hiện hoạt động của ngân hàng đang chịu sự tác động tiêu cực rất lớn từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong năm 2020 và để hồi phục thì cần phải qua năm 2021.

Cát Lam - Ái Minh

FILI

Các tin tức khác

>   EVFTA - Sức ép lớn với các doanh nghiệp logistics Việt Nam (19/03/2020)

>   Cần kiểm soát giá thịt heo để giữ lạm phát 2020 ở mức 4.22% (18/03/2020)

>   Mỹ có vội vàng khi đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ? (18/03/2020)

>   Chuyên gia kinh tế: Giảm lãi suất điều hành chưa phải là nới lỏng tiền tệ (18/03/2020)

>   TS. Đinh Thế Hiển: 'Điều đang trông chờ lúc này là cung tiền của Chính phủ trong đầu tư công' (18/03/2020)

>   VNDirect: Lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục sụt giảm trong tháng 3 (18/03/2020)

>   Tình hình khách quốc tế đến Việt Nam mùa Corona (18/03/2020)

>   NHNN giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 17/03 (16/03/2020)

>   SSI Research: ‘NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành trong tháng 3’ (16/03/2020)

>   Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trong mùa dịch Corona (16/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật