Mối nguy tiềm tàng từ nợ ngoại bảng ngân hàng!?
Tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của các ngân hàng thời điểm cuối năm 2019 đã đạt hơn 734,000 tỷ đồng, chiếm 13.35% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tính đến 31/12/2019, chỉ duy nhất VPBank có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ hơn 3%, điều này phần nào cho thấy sự kiểm soát và tăng cường xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vậy nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng sẽ thay đổi thế nào, nếu được ghi nhận vào nội bảng thì những phần nợ này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kết quả kinh doanh của các nhà băng.
Khái niệm nợ tiềm ẩn hay nợ tiềm tàng (contingent liability) đã được định nghĩa rõ ràng trong hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18.
Nợ tiềm tàng là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được. Hoặc nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra nhưng chưa được ghi nhận vì không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.
Trừ khi xảy ra giảm sút lợi ích của doanh nghiệp và ngân hàng phải trả thay thì ngân hàng phải trích lập dự phòng cho nghĩa vụ trả thay nói trên. Đồng thời, khoản dự phòng này phải được đưa vào nội bảng do chúng làm sụt giảm thu nhập ngân hàng.
Nói theo định nghĩa của Chuẩn mực kế toán là như vậy, nhưng chúng ta có thể hiểu các chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính của ngân hàng là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
Theo Thông tư 02/2013-NHNN quy định đối với các cam kết ngoại bảng, các ngân hàng thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Điều này càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng. Chính vì vậy, khi đánh giá rủi ro của một ngân hàng chúng ta cũng nên xem xét thêm phần chỉ tiêu ngoại bảng của ngân hàng đó nữa.
Nợ tiềm ẩn của các ngân hàng năm 2019. Đvt: Tỷ đồng
|
Theo dữ liệu của Vietstock, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của 25 ngân hàng đã đạt hơn 734,000 tỷ đồng, chiếm 13.35% tổng dư nợ cho vay khách hàng, giảm nhẹ 3% so với năm 2018.
Trong đó, ngoại trừ VietCapitalBank, tỷ trọng cam kết bảo lãnh vay vốn các ngân hàng còn lại đều chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 3%.
Tỷ trọng “bảo lãnh khác” trong tổng nợ tiềm ẩn của các ngân hàng hầu hết đều trên 50%, trừ Vietcombank (VCB, 48%), VPBank (VPB, 42.97%), ACB (40.43%) và HDBank (HDB, 33.45%).
KLB có tỷ trọng ‘bảo lãnh khác’ cao nhất đến 95.87% và NVB (94.3%). Tuy nhiên, xét thêm chỉ tiêu ‘Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ thì 2 nhà băng này có vẻ ít rủi ro vì đây là tỷ lệ chiếm phần rất nhỏ 0.4% và 6.75%.
Có vẻ như khả năng gặp rủi ro của MB là cao nhất khi ‘Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ của MB (MBB) chiếm đến 38.8%, đồng thời tỷ trọng ‘bảo lãnh khác’ chiếm 78.9%.
BIDV cũng không khả quan hơn nhiều khi ‘Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ chiếm 19.93% và tỷ trọng ‘bảo lãnh khác’ chiếm 66.39%.
Xét về số tuyệt đối, BIDV còn là ngân hàng có tổng nợ tiềm ẩn cao nhất hệ thống, ghi nhận 222,644 tỷ đồng. Còn tại Vietcombank, tổng nợ tiềm ẩn ghi nhận được là 110,976 tỷ đồng. Trong khi tổng nợ tiềm ẩn ghi nhận tại 25 ngân hàng là 734,032 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13.35% trên tổng cho vay khách hàng.
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, thì rõ ràng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ của các ngân hàng. Thực tế, đã có rất nhiều vụ kiện liên quan đến các cam kết bảo lãnh ngân hàng.
Cách đây vài năm đã xảy ra vụ việc bên nhận bảo lãnh không thanh toán tiền khiến Ngân hàng Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên được bảo lãnh là Công ty TNHH Cao Trường Sơn số tiền 38.5 tỷ đồng.
Hay như vụ lùm xùm giữa SeABank và Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel (VVF) về thương vụ bảo lãnh thanh toán trị giá 150 tỷ đồng cho CTCP Tập đoàn Vina Megastar đối với lượng trái phiếu công ty này bán cho VVF đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các bên liên quan.
Thậm chí có trường hợp nghi ngờ lẫn nhau như Agribank Hà Nội nghi ngờ có sự trục lợi giữa công ty bảo lãnh và được bảo lãnh là VNP1 và Công ty Hồng Quang. Phía Agribank cho rằng bên VNP1 bán và giao hàng cho Công ty Hồng Quang để đạt doanh số lớn nhằm lợi dụng cơ chế thưởng, chia nhau tỷ lệ chiết khấu, trục lợi cá nhân. Và đơn đề nghị của Agribank vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền điều tra.
Ở trường hợp ngược lại, Công ty TNHH Sao Vàng có đơn gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đề nghị làm rõ nghĩa vụ bảo lãnh 8 tỷ đồng của BIDV chi nhánh Đông Đô trong cam kết bảo lãnh thanh toán.
Các ví dụ trên cũng là lời cảnh báo đối với các khoản nợ tiềm ẩn ở các ngân hàng thương mại Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng ‘Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ hiện tại của các ngân hàng trong hệ thống chưa đến mức báo động, nhưng các nhà băng vẫn cần phải chú ý đến các khoản này, dù đó chỉ là các cam kết.
* [Infographics] Toàn cảnh kết quả kinh doanh ngân hàng niêm yết năm 2019
* Lợi nhuận ngân hàng năm 2019 lên tầm cao mới
* Bức tranh nợ xấu ngân hàng năm 2019
* [Infographics] Khả năng sinh lợi của 10 ngân hàng báo lãi cao nhất 2019
Cát Lam
FILI
|