Môi giới bất động sản chuyển nghề ship hàng, chạy grab
Việc thắt chặt dòng tiền vào bất động sản và dịch bệnh khiến thị trường địa ốc Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác gần như “đóng băng”, nhiều môi giới bất động sản phải chuyển nghề.
* Hơn 300 sàn bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn
Nhiều môi giới bất động sản phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề vì thị trường trầm lắng. Ảnh: Lê Quân
|
Chuyển nghề… bán hải sản, chạy grap
Trần Văn Thưởng (30 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản tại sàn giao dịch có tiếng ở Hà Nội, than thở cả tháng nay vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu mua bán nhà hầu như không có, ảnh hưởng lớn tới nghề môi giới bất động sản. Thưởng kể, vừa không có việc, vừa lỗ mất gần 10 triệu đồng tiền chạy quảng cáo tìm khách mua nhà mà không bán được.
“Em đang tham gia bán hàng cho một dự án nhà chung cư ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Sau tết, nghĩ vẫn túc tắc tìm được khách nên em đầu tư chạy quảng cáo tìm khách. Ai ngờ, tốn gần chục triệu đồng quảng cáo, tìm được khách nhưng hẹn gặp tư vấn thì khách từ chối vì tránh dịch Covid-19. Tư vấn qua điện thoại thì khách ậm ừ rồi hẹn chốt mua sau, do đang có dịch bệnh nên không muốn giao dịch gì”, Thưởng thở dài.
Theo Thưởng, tại sàn giao dịch bất động sản nơi Thưởng làm việc cũng như nhiều sàn khác, đa số nhân viên môi giới đều “nằm im” chờ hết dịch hoặc phải chuyển nghề để duy trì cuộc sống, thậm chí về quê ăn bám gia đình. Một số ít ở lại Hà Nội duy trì hoạt động môi giới nhưng không mấy hiệu quả, còn lỗ tiền chạy quảng cáo, điện thoại tìm khách.
Cùng nghề môi giới bất động sản với Thưởng, do ít việc trước tết, Lương Ngọc Hùng (29 tuổi) định tranh thủ trở lại nghề PT (huấn luyện viên thể hình - PV), vốn là công việc thông thạo hồi sinh viên để kiếm thêm, cũng là cơ hội rèn luyện sức khỏe. Nhưng sau tết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, không mấy khách mặn mà đến phòng gym. Thất nghiệp, sẵn xe máy và điện thoại, Hùng chuyển sang chạy grap giao hàng, chở khách.
Thị trường bất động sản đầu năm 2020 ảm đạm vì dịch bệnh kéo dà.i Ảnh: Lê Quân
|
Nguyễn Thị Lan Thanh (28 tuổi, môi giới mua bán chung cư ở khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, không môi giới được giao dịch nào thành công nên cô chuyển sang bán hàng online để có thu nhập trả tiền thuê nhà, duy trì cuộc sống.
“Quê vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh nên mình biết nhiều sản vật từ biển. Những ngày sau tết, thông tin về dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng, mình đã dự cảm về thị trường địa ốc sẽ chững lại, công việc môi giới sẽ gặp khó khăn, nên ở lại quê. Nhưng ở nhà chơi mãi đâm chán, hết tiền nên nghĩ cách mua hải sản ở quê lên Hà Nội bán. Ban đầu chưa quen vất vả lắm, vừa tìm khách bán nhà vừa buôn hải sản kết hợp nên càng vất vả. Gần đây, mình tập trung buôn hải sản, tìm được mối gửi xe khách lên nên nhàn hơn. Chưa bỏ hẳn nghề môi giới bất động sản vì còn đam mê nhưng hiện tại, thu nhập chính của mình là từ buôn bán hải sản, có phần đều đều hơn là làm môi giới”, Lan Thanh chia sẻ.
1/3 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa
Anh Nguyễn Văn Trọng (38 tuổi, chủ một sàn môi giới bất động sản ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết đang liên hệ luật sư để triển khai thủ tục phá sản sàn giao dịch bất động sản mới hoạt động được gần 3 năm.
“Sau thời gian làm môi giới thuê, tích cóp được lưng vốn, tôi hùn chung với mấy anh em mở sàn giao dịch nhà đất. Thời gian đầu hoạt động khá ổn. Lúc hoàng kim, cả công ty có lúc lên đến hơn 100 nhân viên môi giới, làm việc cực kỳ hiệu quả. Từ nửa cuối năm 2019, thị trường mỗi lúc càng khó khăn hơn, không có dự án, anh em môi giới rời bỏ dần. Sang đến đầu năm 2020, thị trường vốn đã khó khăn lại thêm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, sàn giao dịch không có doanh thu. Anh em môi giới nghỉ việc hết nên tôi quyết định làm thủ tục phá sản để đỡ tiền thuê mặt bằng. Sau đấy, túc tắc đi bán hàng thuê cho các sàn lớn hơn hoặc nằm chờ cơ hội”, anh Trọng thở dài.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp nên các chủ đầu tư không mở bán hàng, môi giới bất động sản đói việc. Ảnh: Lê Quân
|
Cũng theo anh Trọng, một số không nhiều môi giới bất động sản có lưng vốn trong tay, tập trung theo nhóm nhỏ, hùn vốn đi tìm kiếm mua gom đất vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận bán trao tay kiếm lời. Số khác đang chuyển sang nghề cung cấp vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, nội thất… Môi giới bất động sản chuyển sang nhiều ngành nghề khác, tùy theo hoàn cảnh, sở trường của mỗi người.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thừa nhận thị trường bất động sản gặp khó khăn từ khoảng giữa năm 2018 do chính sách kiểm soát chặt dòng tiền. Đến cuối năm 2019, thị trường biểu hiện khó khăn rõ rệt hơn vì dòng vốn vào ít, không có nhiều dự án mới, các chủ đầu tư gặp khó khăn nhiều, nên ngành môi giới bất động sản cũng lao đao.
Sang đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biễn phức tạp khiến thị trường bất động sản hầu như “đóng băng”, số nhân sự môi giới bất động sản phải bỏ nghề không hề ít.
“Trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây", ông Đính nói.
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đầu năm 2020 đang lâm nguy vì suốt thời gian qua bị kiểm soát chặt chẽ, lại thêm dịch bệnh Covid-19, cần có cơ chế hỗ trợ để không gây nhiều tác động xấu đến nền kinh tế.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cũng cho biết đang ghi nhận những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong đó có việc hàng loạt môi giới bất động sản chuyển nghề, để báo cáo lãnh đạo.
Lê Quân
Thanh niên
|