Chủ nhà đồng loạt giảm giá cho thuê mặt bằng
Rất nhiều chủ mặt bằng kinh doanh tại các thành phố lớn đã đồng ý giảm giá thuê từ 10-50% để hỗ trợ người thuê kinh doanh trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.
* Mặt bằng kinh doanh rục rịch giảm giá
Nhiều cửa hàng của The Coffee House hiện đã được chủ nhà chia sẻ khó khăn về mặt bằng, trong đó nhiều nơi giảm từ 30-50% tiền thuê mặt bằng kinh doanh trong thời điểm dịch. Trong ảnh: cửa hàng The Coffee House trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Trong khi đó, vẫn còn nhiều chủ nhà từ chối giảm giá cho thuê và nhiều đơn vị kinh doanh đã phải đóng cửa, trả mặt bằng trước hạn.
Tình người trong lúc khó khăn
Sau thời gian chứng kiến doanh nghiệp (DN) thuê mặt bằng kinh doanh cà phê theo chuỗi tại đường Nguyễn Văn Thương (Q.Bình Thạnh) chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh, bà M. (chủ mặt bằng) đã quyết định hỗ trợ bằng cách giảm chi phí thuê mặt bằng.
Với tổng diện tích sàn khoảng 270m² gồm 1 trệt 2 lầu ở mặt tiền, bà M. cho thuê mỗi tháng gần 100 triệu đồng. Thế nhưng trong các tháng dịch bệnh này, bà M. đã giảm 30% tiền cho thuê (khoảng 30 triệu đồng/tháng) trong 3 tháng và sẽ tiếp tục thương thảo nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, bà T. sống tại Hà Nội nhưng có mặt tiền cho thuê tại quận Phú Nhuận với mức giá cho thuê lên đến 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng)/tháng. Để hỗ trợ các DN trong ngành ẩm thực, bà T. cũng đã đồng ý giảm cho khách thuê 10% trong 3 tháng.
Thậm chí, có chủ nhà còn rộng lượng miễn luôn 3 tháng tiền nhà để "cứu" một DN. Theo vị chủ nhà này, "đây là tình người, bớt cho DN chút khó vì họ cũng gắn bó với mình đã lâu".
Tương tự, một chuỗi siêu thị mini nước ngoài tại TP.HCM cũng cho biết hệ thống này vừa nhận được hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng từ các chủ nhà, mức giảm khoảng 30%.
Bà Hồng Ngọc - giám đốc điều hành Pachi Pachi (Q.1) - cho biết nhà hàng này vừa được chủ nhà giảm 10% trên tổng số tiền thuê nhà 66 triệu đồng/tháng trong 3 tháng. Tuy vậy, bà Ngọc cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với phía chủ nhà để có mức giảm tốt hơn.
Trước những khó khăn chồng chất, kinh doanh online lên ngôi, nhiều chủ mặt bằng đã bắt đầu "xuống nước", manh nha làn sóng hỗ trợ DN thuê mặt bằng thông qua nhiều hình thức như giảm tiền thuê mặt bằng, giãn thời gian đáo hạn hợp đồng, gia hạn thời gian tăng giá... Có nơi chủ nhà giảm cho các chuỗi đến 30-40% tiền thuê mặt bằng.
Tương tự, hệ thống cửa hàng bán lẻ Vua Nệm cho biết gần 60 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành cả nước cũng vừa nhận được sự hỗ trợ giảm giá mặt bằng từ 10-25%. Theo hệ thống này, sự hỗ trợ mặt bằng trước mắt khiến DN "dễ thở" bởi phần nào hóa giải bài toán chi phí mặt bằng trên quy mô lớn.
Một tiệm thức uống tại Q.1, TP.HCM thông báo tạm đóng cửa trong mùa dịch COVID-19, các hỗ trợ về giá mặt bằng trong thời điểm này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Doanh nghiệp lớn vào cuộc, giảm tới 80%
Nhiều DN bất động sản với lượng mặt bằng cho thuê lớn cũng giảm giá để hỗ trợ khách thuê. Ngày 15-3, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail - cho hay vừa ký những quyết định hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho những khách hàng cuối cùng của công ty. Như vậy cho đến nay, tất cả khách hàng thuê mặt bằng của Hưng Thịnh đều đã nhận được hỗ trợ với mức độ khác nhau từ giảm giá 10-80%, thậm chí có nơi được miễn phí thuê mặt bằng.
"Đơn vị bán lẻ thiệt hại lớn hơn thì được giảm giá nhiều hơn, cá biệt như các trường học phải đóng cửa không có nguồn thu thì phải miễn tiền thuê cho họ tới tháng 4-2020. Sau đó thì tùy vào tình hình thực tế để tính toán mức độ hỗ trợ tiếp" - ông Bình nói.
Trước đó, Công ty CP Vincom Retail cũng công bố dành 300 tỉ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Chương trình hỗ trợ được áp dụng cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 trung tâm thương mại trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kỳ vọng "phong trào" rộng lớn hơn
Ông Nguyễn Duy Thiện - giám đốc dự án của The Coffee House - cho biết thời gian qua đã thương thảo với các chủ mặt bằng và nhiều chủ nhà đã "gật đầu" giảm giá. Theo ông Thiện, mức giảm phổ biến cho DN hiện nay từ 10-40%, song cũng có nơi giảm đến 50% tiền thuê mặt bằng. "Với những nơi giảm 50%, chủ nhà thường chỉ giảm 1-2 tháng và hứa sẽ thương thảo tiếp theo tùy tình hình dịch bệnh, đó cũng là sự hỗ trợ lớn cho DN rồi" - ông Thiện nói.
Ông Thiện cho rằng không chỉ ngành ẩm thực mà các ngành bán lẻ, dịch vụ... đều chịu ảnh hưởng. Do đó, chủ nhà giảm giá chính là liều "doping" rất tốt để giúp DN tăng sức chống lại những hệ lụy quá lớn từ dịch COVID-19.
"Các DN đều kỳ vọng vào sự sẻ chia này, nếu càng nhiều chủ nhà giảm giá và mức giảm tăng lên sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe DN, giúp giảm bớt tỉ lệ những DN đóng cửa" - ông Thiện nói.
Còn ông Nguyễn Hoài Phương - tổng giám đốc Gong Cha Việt Nam - cho biết DN này vẫn đang được nhiều chủ nhà, đối tác cho thuê lắng nghe, chia sẻ và có những biện pháp hỗ trợ. Theo ông Phương, những hỗ trợ về mặt bằng dù tùy mức độ ít hay nhiều cũng đã chia sẻ với DN.
"Nó không chỉ có giá trị giúp ích về mặt kinh tế mà còn thể hiện nhiều điều tốt đẹp khác tại thời điểm này. Đây là sự tương trợ nhau để cùng tồn tại bền vững và vươn lên trong gian khó" - ông Phương nói.
Niềm an ủi lớn
Ông Phan Văn Việt, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), cho biết nhà cho thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại Diamond (Q.1, TP.HCM) đã quyết định áp dụng giảm 50% giá thuê mặt bằng. Việc giảm giá này đã được áp dụng trong tháng 2 vừa qua.
Trong khi đó, sau khi nhận được thông tin TP.HCM cho học sinh nghỉ học đến ngày 5-4, bà H.A. - chủ trường mầm non tại TP.HCM với 3 cơ sở - đã quyết định gửi thư cho các chủ nhà để xin miễn giảm tiền thuê nhà. Chỉ vài ngày sau, hai chủ nhà đồng ý giảm 20% giá thuê nhà trong tháng 2 và 3. Dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh, chủ nhà sẽ cân nhắc giảm tiếp.
"Từ ngày 1-2 đến giờ các cơ sở đều đóng cửa nên không có nguồn thu nào, trong khi các chi phí về mặt bằng, giáo viên vẫn phải duy trì. Tôi đã phải vay nợ để trang trải và chuẩn bị đóng cửa một cơ sở nếu không được giảm tiền thuê vì không chịu được nữa. Chủ nhà giảm giá là một sự an ủi rất lớn cho cá nhân tôi và cả trường" - bà H.A. nói.Như Bình - Trần Mạnh
|
Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Giá cao quá đáng, cần hạ xuống
Cần phải nhìn nhận thực tế 2 năm nay mặt bằng neo giá ở mức cao, thậm chí cao quá đáng. Mặt bằng cao dẫn đến giá thành các sản phẩm bán tại đây cõng thêm phí là vô lý và thị trường phải tự động định lại giá. Hiện nay, nhiều nơi trả mặt bằng và giá cho thuê cũng xuống, tôi cho rằng là điều hợp lý theo quy luật cung cầu, vừa để giảm giá mặt hàng bán trong cửa hàng, vừa để hỗ trợ DN trong lúc khó khăn. Các chủ mặt bằng nên có hình thức giảm giá phù hợp, có thể là 20-30% theo giá trị hợp đồng để đồng hành lâu dài với người thuê.
Những mức giảm trên thực tế hiện nay chỉ là 20-50% ngắn hạn, hỗ trợ tức thời, cần phải có nhiều hơn mức giảm dài hạn.
|
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển:
Vừa giúp mình, vừa giúp người
Giá mặt bằng trong 2-3 năm qua đã bị đẩy lên rất cao, tạo ra áp lực chi phí rất lớn. Không phải đến đợt dịch bệnh vừa qua mà trước đó, người thuê mặt bằng đã mệt mỏi vì giá thuê nhà, phải cạnh tranh gay gắt với những đơn vị bán hàng online. Đợt dịch bệnh này sẽ tạo áp lực lên người sở hữu mặt bằng vì khó tìm được người thuê trong những tháng tiếp theo.
Ngay cả khi dịch bệnh được khống chế trong thời gian tới, giá cho thuê cũng khó mà tăng trở lại như trước dịch vì kinh tế bị ảnh hưởng nặng và người dân cần thời gian hồi phục. Nếu bị trả lại mặt bằng thì việc kiếm khách hàng mới trong 2-3 tháng tới là khó. Giá thuê mới chắc cũng thấp hơn giá đang cho thuê hiện nay. Vì vậy, giảm giá thuê từ 10-50% với khách hàng hiện tại là hành động đem lại lợi ích cho cả hai phía.
|
TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN
Tuổi trẻ
|