Thứ Sáu, 20/03/2020 21:45

'Hệ thống ngân hàng phải đồng lòng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp'

Các ngân hàng thương mại phải triển khai nhiều gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Các đại biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

"Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trong vấn đề cơ chế chính sách, khó khăn vướng mắc và cùng triển khai chủ trương, giải pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp."

Đó là chỉ đạo của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi làm việc với 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV ngày 20/3 tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Tiết Văn Thành, Tống Giám đốc Agribank cho biết ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống. Agribank cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và xây dựng kịch bản ứng phó theo ba cấp độ, đưa ra những phương án dự phòng phù hợp. Những đơn vị trọng yếu như Trung tâm thanh toán, công nghệ thông tin... đều có những kịch bản cụ thể để ứng phó.

Còn Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng chia sẻ Vietcombank có nhận thức rất sớm về dịch bệnh nên ngay ngày 31/1, ban lãnh đạo ngân hàng đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống thành lập Ban chỉ đạo và tiểu ban phòng chống dịch tại từng đơn vị cũng như xây dung kế hoạch phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng kích hoạt hoạt động tại thời điểm dự phòng, phân loại các hoạt động phải triển khai liên tục; triển khai các gói sản phẩm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đại diện BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thì cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, BIDV đã nhanh chóng có văn bản triển khai, quán triệt đến từng chi nhánh trong toàn hệ thống về việc xây dựng kế hoạch kinh doanh ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, liên tục.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại cần nhìn nhận và đánh giá trên hai bình diện.

Thứ nhất, tình hình dịch bệnh còn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, theo đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền trả nợ cho ngân hàng, dẫn tới ngân hàng khó khăn thu hồi vốn để có doanh thu. Áp lực cuối cùng là ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nếu như dịch bệnh kéo dài.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải có những gói hỗ trợ, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới. Thực chất nhất bây giờ xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp thiệt hại.

Thứ hai, tiếp tục nắm bắt tình hình thực tế các doanh nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng, báo cáo vướng mắc với Ngân hàng Nhà nước để xem xét.

Ông Hùng đề nghị, trong quá trình triển khai Thông tư 01, các ngân hàng cần rà soát lại có vướng mắc khó khăn báo cáo Ngân hàng Nhà nước để kịp thời xử lý.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, các ngân hàng thương mại phải hành động quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, tích cực triển khai nhiều gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Các ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, không có kịch bản chung trong việc chống dịch. Ngay cả trong thực hiện Thông tư 01 phải có kịch bản, giải pháp điều hành chủ động của từng ngân hàng.

“Điều quan trọng là cả hệ thống ngân hàng phải đồng lòng, đồng thuận trong chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trước mắt, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thể hiện vai trò của mình trong dẫn dắt thị trường, thực hiện chính sách trong vấn đề chia sẻ lợi nhuận, khó khăn và thực hiện chủ trương tái cơ cấu, hoãn, giãn nợ, kể cả huy động, cho vay,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo ông Tú, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trong vấn đề cơ chế chính sách, khó khăn vướng mắc và cùng triển khai chủ trương, giải pháp.

Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tích cực đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, đánh giá khó khăn của mình trong hiện tại, ngắn hạn và trung hạn. Cập nhật tình hình, số liệu (giảm nợ, giảm huy động, tín dụng, nợ xấu...) và báo cáo kịp thời (vốn, dư nợ, nợ xấu...) để đơn vị chức năng Ngân hàng Nhà nước nắm được.

Bên cạnh đó, cần chú trọng lĩnh vực nóng, lĩnh vực ưu tiên đến xuất khẩu, sản xuất, lưu thông đặc biệt là những đối tượng liên quan đến hàng hoá thiết yếu hiện nay, an sinh xã hội; khẩn trương công bố các gói sản phẩm, chủ trương giảm lãi, phí thể hiện sự chia sẻ với cộng đồng; có phương án kịch bản phòng chống dịch cụ thể trong toàn hệ thống từ trụ sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch.

Thúy Hà

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất? (25/03/2020)

>   Đồng USD tăng cao (20/03/2020)

>   HDBank công bố báo cáo kiểm toán 2019, lãi trước thuế đạt hơn 5,000 tỷ đồng (20/03/2020)

>   Chủ thẻ Sacombank JCB được hoàn tiền đến 30% khi thanh toán (20/03/2020)

>   ‘Gia đình tôi yêu’ - gói sản phẩm ưu việt của MB (20/03/2020)

>   Quy định lãi suất mới có tác động đến hệ thống ngân hàng như thế nào? (19/03/2020)

>   Giá USD nhảy vọt (19/03/2020)

>   Giãn nợ, giảm lãi cho người mua nhà, xe trả góp? (19/03/2020)

>   Giao dịch online - Rước ngay xe 'xịn' với Sacombank (19/03/2020)

>   Hai kịch bản lợi nhuận của BIDV năm 2020 (19/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật