Hàng hóa ồ ạt xuất - nhập trở lại với Trung Quốc
Sau gần 4 tháng “cấm biên” bởi đại dịch Covid-19, những ngày gần đây hàng vạn container hàng hóa đã được thông quan giữa Việt Nam - Trung Quốc qua các cửa khẩu.
Xe chở nông sản ở cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Việt Anh
|
Có bao nhiêu Trung Quốc mua bấy nhiêu
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ đầu tháng 2 đến ngày 22.3, đã có 27.738 xe hàng xuất sang các tỉnh của Trung Quốc. Việt Nam cũng nhập khẩu 23.979 xe hàng, hôm sau nhiều hơn hôm trước.
Hàng hóa xuất - nhập nhiều nhất là qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai. Chỉ tính riêng trong ngày 22.3, các cửa khẩu quốc tế đường bộ đã xuất khẩu 281 xe trái cây và một số mặt hàng khác, trị giá 1,165 triệu USD. Ngược lại, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 196 xe rau củ quả các loại, phân bón... trị giá 713.000 USD và đặc biệt là không có xe hàng nào tồn. Đó là chưa kể cửa khẩu quốc tế đường sắt trong thời gian trên cũng xuất khẩu 740 tấn hàng với trị giá 44.000 USD và nhập khẩu 649 tấn (phân bón DAP, phân bón SA, thuốc lá điếu) trị giá 402.000 USD.
Đáng nói là ngoài các cửa khẩu đã thông quan, một số lối mở, đường mòn cũng có hàng hóa thông thương. Ví dụ, tại lối mở Km 3+4 của tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 2 đến nay đã xuất nhập hơn 1.162 xe hàng, riêng ngày 22.3 xuất khẩu 95 xe với các mặt hàng như tinh bột sắn, hải sản tươi sống, hoa quả, tạp hóa… Hơn 20 ngày trước, UBND tỉnh Lào Cai phải “cầu cứu” Chính phủ trước tình trạng rất nhiều thiết bị của dự án Nhà máy luyện đồng Bản Qua có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng của Tổng công ty than - khoáng sản Việt Nam (TKV) bị ách tắc dù đã về đến cửa khẩu Hà Khẩu - cách nhà máy chỉ 15 km. Tuy nhiên, chiều 24.3, đại diện TKV đã “thở phào” cho biết việc nhập hàng trở lại đã diễn ra được gần 5 ngày nay.
Tương tự, suốt 1 tháng qua, nhà máy của Công ty khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) luôn trong tình trạng chạy cầm chừng vì nhu cầu than cốc gần 1.000 tấn mỗi ngày vốn nhập từ bên kia biên giới bị ngưng trệ, phải mua vét than trong nước thì đầu tuần này, ông Trần Trọng Mạnh, Phó tổng giám đốc VTM, thông tin rằng việc nhập nguyên liệu cho sản xuất đã trở lại bình thường.
Nguồn cung nguyên liệu được nối lại
Trao đổi với chúng tôi ngày 24.3, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết ở các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đã trở lại bình thường. Tất nhiên, nếu so sánh với thời điểm cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lượng nông sản xuất khẩu hằng ngày vẫn ít hơn khoảng 40%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa có nhiều thương nhân, doanh nghiệp (DN) phía Trung Quốc trực tiếp ra tận cửa khẩu mua, nhập hàng. Các xe hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có tốc độ bốc dỡ, giải phóng hàng còn chậm do lực lượng “cửu vạn” đi làm trở lại chưa nhiều.
Vẫn theo bà Hà, thống kê những ngày gần đây, mỗi ngày các DN đang xuất khẩu khoảng 200 xe container hàng nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhiều nhất là xoài và mít. “Các xe hàng tồn ở cửa khẩu chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất của các nước thứ 3, riêng hàng nông sản của Việt Namxuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn hiện không còn tồn đọng”, bà Hà nói.
Trong khi đó, ở đầu vào, các DN trong lĩnh vực dệt may, da giày cũng dễ thở hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Hưng Yên, cho biết một số đơn vị thành viên của tổng công ty đã có nguyên liệu về thêm trong trung tuần tháng 3. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex), nguyên liệu bước đầu được cung ứng tốt hơn. Các DN dệt may bắt đầu tăng tốc sản xuất trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4 để bù lại thời gian gián đoạn thiếu nguyên phụ liệu trước đó, kịp tiến độ giao hàng cho khách. Nhờ vậy, lãnh đạo Vinatex kỳ vọng DN may mặc sẽ "gỡ" lại được phần sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 5,3% trong 2 tháng đầu năm, điều chưa từng xảy ra trong vài năm gần đây. Ông Trường cho biết thêm nguyên liệu bắt đầu được cung ứng trở lại còn nhờ nỗ lực thông quan nhanh nhất có thể từ phía hải quan. Trong 1 tuần qua, bình quân mỗi ngày hơn 1.000 xe hàng được thông quan tại các cửa khẩu, một nửa trong số đó là xe chở nguyên phụ liệu sản xuất.
"Thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3 cùng với các chính sách khuyến khích hồi phục đồng bộ quyết liệt. Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản. Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.
Đề xuất mở lại toàn tuyến cửa khẩu phụ Việt Nam - Trung Quốc
Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 808/VPCP-KTTH và Công điện số 224/CĐ-TTg, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đây là những cửa khẩu phụ đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21.11.2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và đã được chính quyền địa phương hai bên thống nhất được phép mua bán, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa hiện đang tạm thời bị đóng cửa theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng) trên cơ sở đảm bảo tối đa phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
|
Anh Vũ
Thanh niên
|