Góc nhìn tuần 23-27/03: Đứng ngoài quan sát?
Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 680-700 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 640-660 điểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng phục hồi trở lại thì vùng 720-740 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Hạn chế tham gia bắt đáy
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 20/03, mặc dù mở cửa tăng điểm, tuy nhiên áp lực bán tăng mạnh đã đẩy chỉ số VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu. Tâm điểm của thị trường là các cổ phiếu VIC, VHM và VRE, khi nhóm này bị bán sàn trong phiên ATC. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực nhờ giá dầu tăng.
Kết thúc phiên 20/03, chỉ số VN-Index giảm 16.21 điểm (giảm 2.23%), đóng cửa ở mức 709.73 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 230 triệu cổ phiếu, giá trị gần 5,300 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (124 mã tăng/211 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng hơn 918 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào HPG và VCB.
Về kỹ thuật, đồ thị tuần VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng “Marubozu” kèm thanh khoản cao, cho tín hiệu giảm giá mạnh.
Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 680-700 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 640-660 điểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng phục hồi trở lại thì vùng 720-740 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Aseansc đánh giá rủi ro thị trường hiện tại vẫn đang ở mức cao, trong khi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là chưa thực sự rõ ràng. Theo đó, Aseansc khuyên nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát và hạn chế tham gia bắt đáy trong giai đoạn này. Trong trường hợp nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể xem xét giảm tỷ trọng ở những phiên phục hồi kỹ thuật, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường và nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian gần đây.
Khả năng hồi phục cao
CTCK Tân Việt (TVSI): Thị trường giảm mạnh trong phiên 20/03 khi quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục. Lực bán tăng cao tại nhóm cổ phiếu "họ Vin" và VCB trong phiên ATC ngày 20/03 đã xóa tan nỗ lực hồi phục trước đó của thị trường. Mặc dù vậy TVSI cho rằng áp lực bán ra tại nhóm này sẽ sớm suy yếu trong những phiên tới, kể từ ngày 23/03. TVSI đánh giá cao khả năng hồi phục của thị trường.
Nếu thanh khoản không cải thiện sẽ gây áp lực lên đà tăng của thị trường. TVSI cho rằng nhà đầu tư nên duy trì vị thế quan sát ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất 705-735 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 650-685 điểm. Vùng kháng cự gần nhất 780-810 điểm.
TVSI nhận định dòng cổ phiếu nổi bật là nhóm dầu khí, cổ phiếu "họ Vin" và nhóm dệt may.
Cơ hội cho người bán, rủi ro cho người mua
CTCK VNDirect (VNDS): VN-Index giảm trên diện rộng dù một số cổ phiếu có tín hiệu cân bằng trong ngắn hạn như MWG 2.1%, GAS tăng 4.7%, MSN và SSI tăng 1.1%.
Theo VNDS, đây là đặc điểm thường thấy của xu hướng giảm giá trong đó số lượng cổ phiếu bi quan chiếm đa số, hoạt động giao dịch giảm sút và giá liên tục lập mức thấp mới. Bên cạnh đó, VNDS cho rằng việc khối ngoại bán ròng liên tục trong tuần 16-20/03 khiến thị trường bi quan quá mức và có thể phục hồi kể từ đầu tuần 23-27/03. Tuy vậy, VNDS cho rằng đây là cơ hội cho người bán và rủi ro về phía người mua.
Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp
CTCK Bảo Việt (BVSC): Thị trường dự báo sẽ có biến động cân bằng hơn trong tuần tới, kể từ ngày 23/03, khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF qua đi. Rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn hiện hữu, tuy nhiên, BVSC cho rằng VN-Index sẽ có các phiên hồi phục đan xen trong tuần 23-27/03.
Theo BVSC, việc nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm hồi phục ngắn hạn. Ngoài ra, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng của khối ngoại.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp 10-20% và chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn.
Minh Hồng
FILI
|