Thứ Sáu, 13/03/2020 15:28

Đua nhau nới lỏng tiền tệ và nỗi lo lạm phát đình đốn

Trong một môi trường kinh doanh ngày càng rủi ro khó lường, từ chiến tranh thương mại rồi ảnh hưởng dịch bệnh, các yếu tố địa chính trị, các doanh nghiệp khó lòng mạnh dạn mở rộng hoạt động, trong khi duy trì được tình trạng như hiện tại đã là điều khó khăn.

* Dịch COVID-19: Fed bơm thêm 1.500 tỷ USD vào thị trường tài chính

* Fed giảm lãi suất – Tiền trảm hậu tấu

Đua nhau bơm tiền

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 3-3-2020 đã bất ngờ giảm lãi suất khẩn cấp đến 0,5 điểm phần trăm, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất kể từ lần giảm 0,75 điểm phần trăm vào tháng 12-2018. Đây cũng là lần giảm “khẩn cấp” thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương (NHTƯ) quyền lực nhất thế giới này, vốn có lịch sử hình thành chưa đến 110 năm.

Tuy nhiên mọi chuyện có thể chưa dừng lại đó, khi cuộc họp chính thức của Ủy ban Thị trường mở Liên bang - FOMC (trực thuộc Fed) diễn ra trong hai ngày 18 và 19-3 tới, có thể sẽ chứng kiến thêm một đợt giảm mạnh lãi suất nữa, nhằm hỗ trợ tâm lý cho các thị trường tài chính đang hỗn loạn trong những ngày qua.

Theo công cụ FedWatch của CME, tính đến ngày 9-3, xác suất giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm, từ mức 1-1,25% hiện nay về 0,25-0,5%, đã tăng vọt lên 70,8% từ mức 28,4% của một ngày trước đó, còn xác suất giảm 1 điểm phần trăm đang ở mức 29,2%. Tức là, thị trường đang dự báo khả năng cắt giảm thêm lãi suất là chắc chắn, quan trọng là ở mức nào.

Các chính sách nới lỏng nếu không đi đúng mục tiêu đề ra, tiền rẻ bơm ra khắp nơi sẽ càng đẩy giá cả các loại hàng hóa lên cao.

Cung hàng hóa thiếu hụt, tiền dư thừa quá nhiều có thể dẫn đến lạm phát phi mã, điều đã từng xảy ra trong quá khứ ở nhiều nền kinh tế là minh chứng rõ nhất.

Fed chỉ là tên tuổi mới nhất trong số nhiều NHTƯ quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất và bơm thêm tiền hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay, đặc biệt kể từ khi khủng hoảng dịch Covid-19 khiến tần suất nới lỏng chính sách của các nền kinh tế thêm dày đặc.

Như vậy, sau một năm 2019 chứng kiến xu hướng nới lỏng trở nên phổ biến với hơn 60 NHTƯ đã cắt giảm lãi suất, năm 2020 mở đầu với xu thế trên không chỉ tiếp tục mà còn có cường độ mạnh hơn.

Đáng lưu ý là ngay từ cuối năm 2019, đã có những dự báo cho rằng tình trạng lãi suất âm, vốn khởi đầu từ Nhật Bản và sau đó đã tiếp nối ở châu Âu, có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu trong năm nay.

Thực tế dường như đang diễn ra đúng như vậy. Fed nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất trong cuộc họp tới như dự báo, thì rõ ràng con đường về mức lãi suất âm không còn bao xa.

Riêng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã chính thức đưa ra gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói tài khóa 30.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, ý kiến của đại đa số giới phân tích đều cho rằng các gói nới lỏng chính sách chủ yếu chỉ tác động hỗ trợ lên phía cầu, còn cuộc khủng hoảng hiện nay đang tác động lên cả cung và cầu của nền kinh tế. Do đó, hiệu lực chính sách của các NHTƯ sẽ phần nào bị hạn chế, thậm chí gây ra những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

Cú sốc cung

Chỉ ngay trước khi Fed giảm lãi suất khẩn cấp ba ngày, bên kia đại dương, Trung Quốc đã làm hẫng hụt khi công bố chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong khu vực sản xuất rớt thẳng đứng xuống mức 35,7 điểm, thấp hơn rất nhiều so với những dự báo bi quan trước đó ở 46 điểm và cũng cách xa mức 40,3 điểm do một tổ chức khác thống kê là Caixin/Markit công bố. Khu vực phi sản xuất thậm chí còn tệ hại hơn, khi chỉ số PMI dịch vụ rớt gần một nửa từ 51,8 điểm xuống tận 26,5 điểm.

Về cơ bản, chỉ số PMI cao hơn 50 cho thấy nền kinh tế đang mở rộng còn dưới 50 thể hiện nền kinh tế đang bị co lại. Dịch Covid -19 ảnh hưởng lên các hoạt động kinh tế là điều đã được dự báo trước, nhưng ít ai nghĩ rằng mức độ thiệt hại lại nghiêm trọng đến thế, khi không chỉ khiến các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gần như tê liệt, mà còn tác động trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu và các nền kinh tế khác, vốn có các hoạt động giao thương kinh tế chặt chẽ với công xưởng toàn cầu này.

Không nằm ngoài xu thế chung, PMI sản xuất của Việt Nam theo IHS Markit khảo sát cũng đã giảm từ mức 50,6 điểm của tháng 1 xuống 49 điểm trong tháng 2, đánh dấu lần đầu tiên rớt về dưới ngưỡng trung tính 50 điểm kể từ tháng 11-2015, tức cách đây đã hơn năm năm. Tại khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến xu thế tương tự, khi các nước như Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Singapore cũng ghi nhận chỉ số này đã rớt về dưới 50 điểm.

Với dịch bệnh vẫn đang lây lan không ngừng, nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ngoài Trung Quốc, thật khó để nói trước được điều gì. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng thừa nhận những dự báo tăng trưởng kinh tế đưa ra đầu năm nay xem như phá sản, khi dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. IMF cũng cho rằng Covid-19 đã trở thành vấn đề của toàn thế giới và do đó việc dự báo nền kinh tế thế giới suy giảm đến mức nào và trong bao lâu là rất khó khăn.

Như để bồi thêm vào nỗi lo sợ của các thị trường, các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc OPEC và Nga mới đây đã bất ngờ phá vỡ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng và chính thức tuyên chiến với nhau, đẩy giá dầu lao dốc đến 30% ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này.

Dù giá dầu giảm sâu được cho sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, nhưng đối với những chính phủ có nguồn thu ngân sách vẫn phụ thuộc vào “vàng đen” này và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhiên liệu này, thiệt hại là chưa tính hết được.

Lạm phát đình đốn

Nếu như lạm phát mục tiêu trong tầm kiểm soát luôn song hành với một nền kinh tế tăng trưởng được xem là bình thường, thì lạm phát đình đốn luôn khiến các nhà điều hành chính sách phải lo ngại và đau đầu, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản lượng suy giảm trong khi giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Nhìn vào tình trạng hiện nay, nỗi lo sợ về lạm phát đình đốn không phải là không có cơ sở. Việc hoạt động sản xuất trì trệ, các điều kiện cơ bản trong nền kinh tế thu hẹp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa và thậm chí phá sản có thể ngày càng tăng lên, tất yếu sẽ dẫn đến sản lượng trong nền kinh tế sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên là điều tất yếu.

Nguồn cung đến lúc nào đó rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu sẽ đẩy giá cả tăng lên, nhất là ở những mặt hàng được săn lùng, tích trữ, đầu cơ trong những giai đoạn khủng hoảng hay dịch bệnh.

Trong khi đó, về phía cầu của nền kinh tế, các chính sách nới lỏng nếu không đi đúng mục tiêu đề ra, tiền rẻ bơm ra khắp nơi sẽ càng đẩy giá cả các loại hàng hóa lên cao. Cung hàng hóa thiếu hụt, tiền dư thừa quá nhiều có thể dẫn đến lạm phát phi mã, điều đã từng xảy ra trong quá khứ ở nhiều nền kinh tế là minh chứng rõ nhất.

Các chính sách quản lý trong bối cảnh này dường như bị hạn chế khi muốn kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trên. Nếu tiếp tục nới lỏng, bơm thêm tiền để kích thích kinh tế thì lại gây áp lực lên lạm phát leo thang, ngược lại nếu thắt chặt sẽ càng khiến suy thoái thêm trầm trọng. Trong nhiều trường hợp, các chính phủ lựa chọn chấp nhận nỗi đau suy thoái tạm thời để đẩy lùi lạm phát trước, ổn định giá trị tiền tệ và sau đó mới sử dụng nhiều giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế đi lên trở lại.

Đối với Việt Nam, do hoạt động kinh tế phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, do đó khi dịch bệnh xảy ra, nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên liệu nhập từ Trung Quốc bị cắt đứt thành ra trở nên khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng này tăng cao, đồng thời cũng ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam sau bốn tháng tăng mạnh liên tiếp, thì trong tháng 2 bất ngờ giảm 0,17% so với tháng trước, dù vậy nếu tính theo chỉ số giá bình quân thì hai tháng tăng đến 5,9% so cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong bảy năm qua. Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng của Chính phủ tung ra nếu là cho vay mới thì thực tế cũng chỉ xấp xỉ gần 22% mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu trong năm nay (hơn 1,1 triệu tỉ đồng), nên có lẽ cũng không gây áp lực lên cung tiền.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng khiến tâm lý lo sợ lây lan ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến các hành động đổ xô mua hàng đầu cơ tích trữ thì sẽ càng tăng áp lực lên lạm phát.

Chính vì vậy, ngoài việc sớm ổn định tâm lý cho toàn xã hội, cam kết cung ứng đủ nguồn hàng, có các chế tài đối với các hoạt động đầu cơ, “té nước theo mưa”, Chính phủ cũng cần hỗ trợ sớm tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc có các giải pháp chủ động nguồn nguyên nhiên liệu, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, giữ vững sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và ổn định công ăn việc làm cho người lao động, đó mới là điều cần thiết và đặc biệt quan trọng cho giai đoạn sắp tới.

Triêu Dương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   ECB thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ euro (13/03/2020)

>   Dịch COVID-19: Fed bơm thêm 1.500 tỷ USD vào thị trường tài chính (13/03/2020)

>   Vàng thế giới mất hơn 3%, rớt mốc 1,600 USD/oz (13/03/2020)

>   Dầu Brent rớt hơn 7% khi ông Trump “cấm” châu Âu vào Mỹ (13/03/2020)

>   Chủ tịch ECB: Châu Âu nguy cơ khủng hoảng kinh tế như 2008 (12/03/2020)

>   Mỹ nói tiền của IMF, World Bank sẽ không trả nợ cho Vành đai - Con đường của Trung Quốc (12/03/2020)

>   Vàng thế giới giảm 2 phiên liên tiếp xuống thấp nhất trong hơn 1 tuần (12/03/2020)

>   Dầu đảo chiều sụt gần 4% khi nguồn cung tại Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp (12/03/2020)

>   Anh hạ lãi suất khẩn cấp vì Covid-19 (11/03/2020)

>   Vàng thế giới có phiên suy giảm đầu tiên trong 4 phiên (11/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật