Dow Jones vọt gần 13% trong tuần qua bất chấp đà sụt giảm 900 điểm trong phiên
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (27/03), xóa bớt phần nào đà leo dốc trong 3 phiên trước đó để khép lại một tuần đầy biến động khác trên Phố Wall, CNBC đưa tin.
Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng do nhà đầu tư tập trung trở lại vào sự bùng phát dịch COVID-19 khi Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 915.39 điểm (tương đương 4.1%) xuống 21,636.78 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3.4% còn 2,541.47 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite trượt 3.7% xuống 7,502.38 điểm.
Cổ phiếu Boeing sụt 10.3% và dẫn đầu đà giảm điểm của Dow Jones. Cổ phiếu Chevron và Disney đều giảm hơn 8%. Cổ phiếu Boeing suy giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết hãng sản xuất máy bay này sẽ không tìm được gói cứu trợ của Chính phủ. Năng lượng và công nghệ là những lĩnh vực có thành quả tồi tệ nhất thuộc S&P 500, khi lần lượt giảm 6.9% và 4.6%. Lĩnh vực năng lượng chịu sức ép bởi đà sụt giảm 4.8% của giá dầu thô.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán chính vẫn ghi nhận đà tăng mạnh trong tuần qua. Dow Jones đã leo dốc 12.8% từ đầu tuần đến nay, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1938. S&P 500 vọt 10.3% trong tuần này, ghi nhận tuần có thành quả tốt nhất kể từ tháng 03/2009. Nasdaq Composite cũng chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong 11 năm, tiến 9.1%.
Bất chấp đà tăng trong tuần qua của thị trường, các chỉ số chứng khoán chính vẫn thấp hơn 20% so với các mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng trước. Nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán trong bối cảnh sự không chắc chắn về thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên hơn 542,700 người với ít nhất 85,996 ca nhiễm ở Mỹ, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy. Mỹ hiện đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, nói rằng 2 nước “đang hợp tác chặt chẽ với nhau” để chống lại đại dịch. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xét nghiệm dương tính với virus nCoV.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ trị giá 2 ngàn tỷ USD hồi đầu tuần này, và Hạ viện đã thông qua gói kích thích khổng lồ trong lịch sử này vào ngày thứ Sáu, gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để được ký ban hành.
Sự bùng phát dịch bệnh cũng khiến một số doanh nghiệp phải đóng cửa cửa hàng, dẫn đến sự tăng vọt trong số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Bộ Lao động Mỹ báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã vọt lên 3.28 triệu người hồi tuần trước, dễ dàng vượt qua mức kỷ lục trước đó là 695,000 người.
An Trần
FILI
|