Dow Jones sụt hơn 700 điểm bất chấp việc Fed hạ lãi suất
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Ba (03/03), khi động thái hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không thể làm dịu bớt lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế do sự bùng phát COVID-19, CNBC đưa tin.
Quyết định hạ lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm được đưa ra 2 tuần trước cuộc họp đã lên kế hoạch của Fed, khi Cơ quan này cảm thấy cần phải hành động nhanh chóng để đối phó tác động của sự lây lan COVID-19 trên thế giới. Đây là động thái khẩn cấp đầu tiên diễn ra giữa các cuộc cuộc họp định kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones rớt 785.91 điểm (tương đương gần 3%) xuống 25,917.41 điểm. Chỉ số này đã tăng hơn 300 điểm hồi đầu phiên và trồi sụt mạnh sau khi quyết định của Fed công bố. Chỉ số S&P 500 lùi 2.8% xuống 3,003.37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 3% còn 8,684.09 điểm.
Đổi lại, các nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1% lần đầu tiên. Trong khi đó, vàng vọt 2.9% lên 1,644.40 USD/oz.
Nhà đầu tư đã định giá việc hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng này. Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý Ngân hàng Trung ương không sẵn sàng sử dụng bất kỳ công cụ bổ sung nào để kích thích nền kinh tế ngoài việc cắt giảm lãi suất. Điều này có thể khiến một số người trên Phố Wall thất vọng, bởi họ vốn đang kỳ vọng điều gì đó nhiều hơn từ Fed.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhuốm sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đáy kỷ lục. Cổ phiếu Bank of America sụt hơn 5.5%, còn cổ phiếu JPMorgan Chase và Citigroup đều giảm 3.8%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã rớt xuống đáy là 0.906%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực lên ông Powell và Fed để hạ lãi suất. Sau tuyên bố từ Fed, ông Trump đã tweet rằng Cơ quan này “phải nới lỏng hơn nữa, và quan trọng nhất là phù hợp với các quốc gia/các đối thủ cạnh tranh khác”.
Thông báo trong ngày thứ Ba được đưa ra sau khi G-7 cho biết trong một tuyên bố vào sáng ngày thứ Ba rằng nhóm này sẽ sử dụng những công cụ chính sách để kiềm chế suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tuyên bố không đưa ra hành động cụ thể.
Nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế khi dịch COVID-19 lây lan trên khắp thế giới. Hơn 89,000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu cùng với hơn 3,000 ca tử vong vì virus.
An Trần
FILI
|