Vọt hơn 5%, Dow Jones chứng kiến phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai (02/3), với Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ khi Phố Wall lấy lại phần lớn đà sụt giảm từ đợt bán tháo mạnh hồi tuần trước, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones vọt 1,293.96 điểm (tương đương 5.1%) lên 26,703.32 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 03/2009. Đây cũng là phiên tăng điểm lớn nhất từ trước đến nay của Dow Jones.
Chỉ số S&P 500 tăng 4.6% lên 3,090.23 điểm, chứng kiến phiên có thành quả tốt nhất kể từ ngày 26/12/2018. Chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2018, cộng 4.5% lên 8,952.16 điểm.
Đà tăng trong phiên ngày thứ Hai đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi lao dốc 7 phiên liên tiếp của Dow Jones và S&P 500.
Cổ phiếu Apple dẫn đầu đà tăng của Dow Jones với đà leo dốc 9.3%. Cổ phiếu Merck và Walmart lần lượt vọt 6.3% và 7.6%. Các lĩnh vực tiện ích, công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu và bất động sản đều tăng hơn 5% để dẫn đầu đà tăng của S&P 500.
Các chỉ số chính đã giảm mạnh hồi tuần trước khi những lo ngại về sự lây lan dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Các chỉ số chứng khoán chính đã chứng kiến tuần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào tuần trước và rơi vào khu vực điều chỉnh, lao dốc hơn 10% từ các mức cao mọi thời đại ghi nhận hồi tháng trước. Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều bước ra khỏi vùng điều chỉnh. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt thấp hơn 9.7% và 9% so với các mức cao kỷ lục. S&P 500 khép phiên còn cách 8.9% để đạt mức cao mọi thời đại.
Tuy nhiên, Peter Cardillo, Chuyên gia kinh tế thị trường hàng đầu tại Spartan Capital Securities, hoài nghi điều tồi tệ nhất đối với thị trường đã qua.
Hơn 89,000 người nhiễm bệnh trên thế giới và hơn 3,000 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Australia, Thái Lan và Mỹ đều công bố trường hợp tử vong đầu tiên vì virus vào cuối tuần qua. Rhode Island là tiểu bang đầu tiên của Mỹ ở bờ Đông thông báo có một ca nhiễm COVID-19.
Số ca nhiễm ở Anh đã vọt lên 35 người sau 12 ca nhiễm mới được xác nhận hôm Chủ nhật (01/3). Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc cũng tăng lên hơn 500 người vào ngày thứ Bảy (29/02). Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, đã xác nhận vào tối ngày Chủ nhật (01/3) về trường hợp dương tính với virus đầu tiên của bang.
Dữ liệu kinh tế khủng khiếp ở Trung Quốc
Phố Wall đã có cái nhìn đầu tiên vào cuối tuần qua về thiệt hại kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra cho Trung Quốc, vốn là tâm dịch.
Một cuộc khảo sát riêng về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cho thấy mức yếu nhất từ trước đến nay. Chỉ số PMI sản xuất Caixin/Markit đạt 40.3 trong tháng 02/2020, thấp hơn rất nhiều so với dự báo 45.7 từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng, trong khi thấp hơn 50 biểu thị sự thu hẹp.
Thông tin này được đưa ra sau khi dữ liệu chính thức công bố hôm thứ Bảy (29/02) cho thấy chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc đã rơi từ 50 trong tháng 01 xuống 35.7 trong tháng 02/2020, mức thấp kỷ lục.
Dữ liệu được công bố của Mỹ cũng khá ảm đạm. Chỉ số sản xuất Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) lùi xuống 50.1 trong tháng 02/2020, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019 và thấp hơn dự báo 50.8.
Nỗi lo về tác động của dịch COVID-19 đối với lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế toàn cầu đã khiến nhà đầu tư tìm kiếm các lựa chọn thay thế an toàn hơn, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rơi xuống mức đáy kỷ lục. Vào tối ngày Chủ nhật (01/3), lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1.04% lần đầu tiên và khép phiên dao động ở mức 1.14%.
Sự lây lan nhanh chóng COVID-19 đã làm tăng dự báo về chính sách tiền tệ nới lỏng từ các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
An Trần
FILI
|