'Chợ đen' tiền ảo: Nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, trong khi nhiều nước đã đưa tiền ảo vào diện giám sát để quản lý, thì tại Việt Nam vẫn thả nổi.
* 'Chợ đen' tiền ảo
Sàn giao dịch VCC Exchange đưa các hình ảnh quảng cáo gây nhầm lẫn
|
Hàng ngàn tỉ đồng giao dịch phi pháp mỗi tuần trên các “chợ đen” và sàn giao dịch tiền ảo, gây nhiều hệ lụy khó lường.
Cố tình quảng bá gây nhầm lẫn
Ngoài những chiêu trò thu hút các nhà đầu tư nạp tiền, có sàn còn tự giới thiệu mình là “sàn giao dịch duy nhất tại Việt Nam làm việc với Chính phủ và có sự đảm bảo về pháp lý”.
Cụ thể, trên website của sàn VCC Exchange đăng tải bài viết có nội dung: “VCC Exchange là một trong những sàn giao dịch hiếm hoi trên thế giới và là sàn giao dịch duy nhất tại Việt Nam đã làm việc và tổ chức những hoạt động trực tiếp với Chính phủ, Bộ Tư pháp về sàn giao dịch và ứng dụng công nghệ blockchain”.
Kèm theo đó là bức ảnh chụp một thứ trưởng Bộ Tư pháp đang phát biểu tại một hội nghị về công nghệ blockchain, phía sau là backdrop có tên hội nghị, có in logo của VCC Exchange.
Trong khi thực chất, theo tìm hiểu của Thanh Niên, VCC Exchange chỉ là đơn vị tài trợ, đồng tổ chức một hội nghị chuyên đề có sự tham gia của một số bộ ngành về một chủ đề chung chung liên quan đến tiền ảo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tiền ảo, tiền mã hóa không được coi là tài sản. Tuy cấm dùng tiền ảo để thanh toán, nhưng pháp luật lại không có quy định nào cấm việc mua bán, trao đổi, tặng cho... tiền ảo. Kẽ hở pháp luật hiện nay đã tạo cơ hội để các sàn giao dịch tiền ảo mọc lên, hoạt động công khai, rầm rộ với quy mô lớn, lợi dụng “vùng xám của pháp luật” để thu về những khoản lợi nhuận kếch xù mà không chịu bất cứ điều chỉnh nào của pháp luật.
Gia tăng tội phạm
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), cho biết các hoạt động liên quan đến mua bán, đầu tư tiền ảo không chỉ là nguy cơ mà đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trong nước.
Tiền ảo là sản phẩm của công nghệ cao, giao dịch trên internet có tính xuyên biên giới, nên nhiều vụ dù xảy ra trên thế giới cũng ảnh hưởng đến tình hình tại VN và ngược lại.
Năm 2017, thế giới chứng kiến sự sụp đổ của tiền ảo Bitconnect (BCC) với quy mô toàn cầu. BCC là tiền ảo được bán theo mô hình đa cấp, sở hữu bởi Công ty Bitconnect tại Mỹ.
Cùng với sự gia tăng “phi mã” của Bitcoin và các đồng tiền ảo trong năm 2017, giá trị vốn hóa của tiền ảo BCC đạt 2,5 tỷ USD tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 1.2018, sàn giao dịch tiền ảo BCC bị đóng cửa sau 15 tháng hoạt động, vì bị Ủy ban Chứng khoán Texas (Mỹ) cáo buộc có liên quan đến các thương vụ đầu tư gian lận và lừa đảo.
Ngay lập tức, đồng BCC trở thành “rác” sau khi bị hủy bỏ khỏi tất cả các sàn giao dịch lớn nhỏ. Giá trị của BCC từ 500 USD đã giảm xuống dưới 1 USD. Hàng ngàn nhà đầu tư mất trắng các khoản tiền rót vào sàn này. Trong đó, ước tính các nhà đầu tư ở Việt Nam cũng “bay” mất hàng ngàn tỉ đồng.
Tháng 4.2018, một nhóm nhà đầu tư tại TP.HCM đã tố cáo Công ty Modern Tech và nhóm phát triển iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 15.000 tỉ đồng, với số lượng nạn nhân khoảng 32.000. Gần đây nhất, vào tháng 7.2019, nhà sáng lập Plus Token (Pluscoin) tại Trung Quốc biến mất cùng với số tiền 3 tỷ USD của nhà đầu tư (trong đó có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam). Đây được coi là vụ lừa đảo lớn nhất liên quan đến tiền ảo được ghi nhận từ trước đến nay. Theo đại diện A05, tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện nhiều vụ án liên quan đến mua bán giao dịch tiền ảo tương tự.
Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch Công ty OTCMAX, được xác định đã lừa đảo bán tiền ảo VNcoin chiếm đoạt 200 tỉ đồng. Ảnh: Đình Trường
|
Theo đánh giá của A05, thực tiễn tại các địa phương cho thấy, hoạt động đầu tư giao dịch tiền ảo hiện nay là một trong những nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm cũng như tình hình vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về “tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.
Những loại này cũng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.
Đối với tội phạm, các tài sản có được sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều chuyển vào các sàn tiền ảo, gây khó khăn cho công tác điều tra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Càng chậm “quản” càng thiệt hại
Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo.
Bộ này cũng đã hoàn thành đề án và trình Chính phủ. Chính phủ đã giao một số bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục nghiên cứu để sớm có khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định nào được ban hành theo đề án của Chính phủ. Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với người có trách nhiệm tại Bộ Tư pháp, nhưng chưa có câu trả lời chính thức.
Từ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động phòng chống tội phạm liên quan đến tiền ảo, A05 cũng kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng khung pháp lý theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21.8.2017 của Thủ tướng về đề án nói trên. Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp quản lý, không để các sàn giao dịch tiền ảo sử dụng dịch vụ thanh toán tại VN để mua bán tiền ảo trái pháp luật.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, đánh giá việc số lượng lớn người Việt Nam tham gia vào hoạt động đầu tư mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch quốc tế đã dẫn đến một lượng tiền khổng lồ chảy ra nước ngoài, lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mỗi ngày, nhưng các cá nhân, tổ chức thu lợi nhuận không khai báo và đóng thuế, gây thất thu ngân sách cho nhà nước.
“Chúng ta hay nói đây là tiền ảo nhưng tôi thấy đó là tiền thật, không ảo một tí nào, trong khi rất nhiều nước đã từng bước đi vào kiểm soát, quản lý thì chúng ta vẫn thả nổi. Để càng chậm thì thiệt hại càng lớn”, TS Lê Đăng Doanh nói.
“Cư xử” với tiền ảo ra sao?
Liên quan đến việc quản lý tiền ảo, Bộ Tư pháp cho biết năm 2017 Thủ tướng phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo.
Cuối năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính nhiệm vụ “lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo”.
Tiếp đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ xây dựng văn bản cụ thể. Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, pháp luật hiện hành không coi tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và có thể trong tương lai gần cũng chưa nên coi là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Tuy nhiên, một cộng đồng hay hệ sinh thái cụ thể có thể sử dụng một loại tài sản mã hóa nhất định trong cộng đồng hay hệ sinh thái đó.
“Trong trường hợp này, cần đối xử với hành vi như vậy là hình thức trao đổi giữa hàng hóa, dịch vụ với hàng hóa, dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tiền tệ cần tăng cường theo dõi, giám sát và thanh tra để xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo cho mục đích rửa tiền và vi phạm pháp luật khác”, ông Tú nêu quan điểm.
Đối với hoạt động sử dụng, mua bán, trao đổi, lưu thông tiền ảo, ông Tú cũng cho rằng do bản chất là tài sản và để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì cần đảm bảo không hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh của người sở hữu các tài sản này, miễn là không nhằm thực hiện các hoạt động phi pháp.
Do đó, cần tập trung vào quản lý, giám sát các trung gian “tập trung”, như nhà cung cấp, vận hành sàn giao dịch... thông qua việc đặt ra các điều kiện để được cấp phép hoạt động và duy trì các điều kiện đó trong quá trình hoạt động để đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý khi giải quyết tranh chấp phát sinh, tạo thuận lợi cho nhà nước trong việc quản lý cũng như thu thuế từ các giao dịch này.
Thái Sơn
|
Thanh Niên
Thanh niên
|