Doanh nghiệp ngoại lừa bán khẩu trang y tế qua internet
Thương vụ Hà Lan đưa ra cảnh báo doanh nghiệp nước ngoài lừa bán khẩu trang y tế qua internet cho công ty Việt Nam.
* Chính phủ yêu cầu xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép
* Mua 6,3 triệu khẩu trang ở TP.HCM để tuồn qua biên giới
* Tạm đình chỉ giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp vì thu gom khẩu trang bán lấy lời
Hình ảnh quảng bá trên website www.phoenixpharmabv.nl. Ảnh: chụp màn hình
|
Cụ thể theo Thương vụ Hà Lan (Bộ Công thương), ngày 4.3, thương vụ nhận được đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra thông tin về một doanh nghiệp Hà Lan kinh doanh nhiệt kế hồng ngoại chống dịch Covid -19. Tuy nhiên khi kiểm tra thì doanh nghiệp Hà Lan này đã sử dụng thông tin đăng ký của doanh nghiệp khác để lừa đảo.
Công ty Hà Lan có tên gọi là PHOENIX PHARMA B.V (website:www.phoenixpharmabv.nl) quảng bá bán khẩu trang y tế và cung cấp nhiệt kế hồng ngoại phục vụ công tác phòng dịch cúm Corona chủng mới. Website trên mạng của doanh nghiệp này khá bắt mắt nhưng lại chỉ có số điện thoại di động liên hệ.
Thương vụ Hà Lan đã truy cập dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan- cơ quan cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh - thì được biết đây là số đăng ký cấp cho công ty Distilleerderij De Tweekoppige Phoenix B.V. lĩnh vực kinh doanh đồ uống (không phải vật tư-thiết bị y tế như trên website) có địa chỉ văn phòng tại Diederik Sonoyweg 10, 1509BR Zaandam.
Như vậy, số đăng ký công ty Phoenix Pharma BV gửi cho phía Việt Nam là rởm, đã bị thay thế tên công ty, địa chỉ email, số điện thoại (di động), còn hầu hết các chi tiết khác là thuộc về công ty Distilleerderij De Tweekoppige Phoenix B.V – là công ty có thật và mang số đăng ký 57650454.
Thương vụ cũng đề xuất công ty Việt Nam hẹn để đến địa chỉ gặp trực tiếp đại diện của PHOENIX PHARMA B.V đồng thời qua đó kiểm tra tình hình thực tế công ty này thế nào, thì phía đại diện công ty Hà Lan không đồng ý gặp. Qua đó càng xác nhận thực tế là công ty trên không tồn tại.
Do vậy, Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, có trường hợp lấy từ mạng Alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, công ty Việt Nam nên liên hệ với thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà Lan.
Mai Phương
Thanh niên
|