Bến xe 4.000 tỉ của TP.HCM có tiếp tục trễ hẹn?
Gần 3 năm kể từ ngày khởi công, Bến xe Miền Đông mới với diện tích hơn 16 ha (Q.9, TP.HCM) dự kiến sẽ chính thức đưa vào khai thác trong tháng 4 tới, sau 3 lần lỡ hẹn.
Bến xe Miền Đông mới sắp đi vào hoạt động
Ảnh: Hà Mai
|
Vẫn chờ “một cái gật đầu”
Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành quyết định công bố đưa Bến xe Miền Đông mới trên đường Hoàng Hữu Nam (Q.9) vào khai thác. Dự kiến, lễ khai trương sẽ được tổ chức trong khoảng từ 19 - 26.4. Trả lời Thanh Niên, đại diện Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn - SAMCO (chủ đầu tư dự án), cho biết việc công bố quyết định trên trước 20 ngày là thủ tục, nhằm xác định Bến xe Miền Đông mới đủ điều kiện đưa vào hoạt động vận chuyển hành khách. Việc bến xe có thể được khai trương hay không vẫn phải chờ “cái gật đầu” của UBND TP.
Theo vị này, kế hoạch khai trương bến xe liên tục bị lùi từ Tết Nguyên đán 2018 sang quý 1/2019 và lần gia hạn gần nhất là 15.8.2019, do chưa hoàn thiện một số vấn đề pháp lý. Cụ thể, Bộ Xây dựng dù đã có kiểm tra đầy đủ, nhưng chưa ban hành văn bản nghiệm thu cho dự án. Chủ đầu tư vẫn đang chờ UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan cho phép SAMCO được ký hợp đồng thuê đất tại Bến xe Miền Đông mới để triển khai cho thuê các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải của các doanh nghiệp (DN).
Sau nhiều lần nhận được kiến nghị của DN, cuối tháng 8.2019, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn tất thủ tục, gỡ vướng cho dự án sớm đi vào hoạt động. Thế nhưng, tới nay đã gần nửa năm trôi qua, nút thắt này vẫn chưa được gỡ.
Hiện nay, các tuyến đường nội bộ, công trình hạ tầng bãi đậu xe phía bên trong bến về cơ bản đã xong. Phía cổng chính, đường cho xe ra vào bến đã được trải nhựa tươm tất, kết nối vào bên trong. Còn khuôn viên bến xe, khu vực xung quanh ga trung tâm, các hạng mục công trình, trang thiết bị cũng đã sẵn sàng đưa vào khai thác. “Chúng tôi mới gửi văn bản đề xuất UBND TP cho phép khai trương dự án, đưa bến xe đi vào hoạt động trước 30.4 song song quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý”, đại diện SAMCO thông tin.
Lo ngại bùng nổ xe “dù”, bến “cóc”
Trong giai đoạn 1, sẽ có 29 tuyến xe khách cố định chạy các tuyến từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc được điều chuyển qua hoạt động tại bến xe mới. Tuy nhiên bản thân lãnh đạo SAMCO đã không ít lần bày tỏ lo ngại trong giai đoạn đầu khai thác, bến xe sẽ chưa mang lại hiệu quả cao, vì khoảng cách từ bến tới trung tâm TP quá xa.
“Nếu các vấn đề trung chuyển, kết nối không được giải quyết ổn thỏa, việc thông tin cho người dân cùng đơn vị vận tải không tốt, không nhận được sự đồng thuận của người dân thì việc hoạt động của Bến xe Miền Đông mới trong giai đoạn đầu sẽ rất khó khăn. Nguy cơ bùng phát thêm xe “dù”, bến “cóc” là có thật vì về cơ bản, người dân vẫn sẽ lựa chọn những gì thuận tiện nhất cho họ”, đại diện Samco đặt vấn đề.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT, lý giải bến “cóc”, xe “dù” nghĩa là đón trả khách hoặc lập bến bãi không đúng nơi quy định. Trên thực tế hiện nay, khi lực lượng thanh tra đi kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải thì họ đều có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, khi bến xe ở quá xa thì người dân sẽ có nhu cầu được đưa rước tận nơi và tất yếu sẽ phát sinh bến “cóc”, xe “dù”. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thì cần phát triển các phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hà Mai
Thanh niên
|