VGT - Trong nguy có cơ
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCOM: VGT) là đơn vị dẫn đầu trong ngành dệt may Việt Nam. Với các công ty thành viên trên khắp cả nước và năng lực sản xuất mạnh, VGT dự kiến sẽ đứng vững trước các khó khăn của ngành trong năm 2020.
VGT là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành
Kết quả kinh doanh của VGT tạm chững lại trong năm 2019. Năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 18,435 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 628 tỷ đồng, lần lượt giảm 3.49% và 10.67% so với năm 2018.
Giải thích cho sự sụt giảm trên, HĐQT VGT giải trình nguyên nhân chính là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may nói chung và VGT nói riêng. Kết quả sản xuất kinh doanh không khả quan ở các nhà máy sợi đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của cả tập đoàn.
Tuy nhiên, VGT vẫn đang là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành dệt may với một hệ thống các công ty con và công ty liên kết ở khắp cả nước.
Nguồn: VietstockFinance
Nhiều khó khăn trước mắt
Mỹ đơn phương xóa bỏ các ưu đãi của WTO với nhiều nước đang phát triển. Ngày 11/02/2020, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo chính quyền Mỹ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của Mỹ về việc liệu các nước này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp Mỹ với việc trợ cấp xuất khẩu không công bằng hay không.
Động thái này đánh dấu sự từ bỏ chính sách thương mại của Mỹ trong 20 năm qua đối với các quốc gia đang phát triển, có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Với quyết định trên, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi của nước này đối với một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển (tự coi là nước đang phát triển hoặc được công nhận là nước đang phát triển), bao gồm Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng của ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Dịch corona gây khó nhưng cũng là cơ hội khẳng định vị thế. Dịch virus corona đang là vấn đề nóng nhất trên toàn cầu hiện nay. Dịch này không tác động trực tiếp đến đầu ra của các công ty dệt may vì hầu hết đều không xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa đầu năm 2020 sẽ khiến nguồn nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt.
Theo ước tính của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may hiện phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm nhiều nhất. Với một doanh nghiệp sở hữu nhiều công ty dệt quy mô lớn như VGT thì tác động này sẽ được hạn chế.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may Việt Nam chỉ mới đáp ứng đủ 2 hình thức là CMT (Cut - Make - Trim) và FOB (Free On Board) thì Vinatex có đầy đủ các thành phần cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Đây chính là nền tảng để Vinatex tiến từ hình thức CMT gia công thuần túy lên hình thức ODM (Original Design Manufacturing). Ngoài ra, các công ty thành viên của Vinatex cũng tự xây dựng các cửa hàng thời trang mang nhãn nhiệu riêng phục vụ thị trường nội địa.
Thậm chí, mảng kinh doanh đặc thù như vải dùng cho may khẩu trang sẽ đột biến và giúp cho công chúng biết đến VGT và các công ty con nhiều hơn.
Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và TCT May Đồng Nai là các đơn vị thành viên của VGT. Dệt kim Đông Xuân là sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn và May Đồng Nai là sản xuất vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các doanh nghiệp ngành may khác sản xuất các loại khẩu trang chống khuẩn.
Đáng lưu ý là mặt hàng khẩu trang kháng khẩu có nguyên liệu hoàn toàn do công ty Dệt kim Đông Xuân tự chủ sản xuất không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Công ty tự chủ động nguyên liệu, cơ bản là từ trong nước, chỉ phải nhập khẩu một số lượng nhỏ hóa chất kháng khuẩn từ Nhật Bản. Do vậy về lâu dài, công ty không lo thiếu nguyên liệu. Với công suất 5-8 tấn/ngày, có thể tăng công suất lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải có thể sản xuất được khoảng 40,000 cái khẩu trang. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300,000 chiếc/ngày.
Với giá bán chỉ 7,000 đồng/chiếc, tương đương chi phí sản xuất, mục đích của công ty là lớn hơn rất nhiều so với việc mang lại lợi nhuận tức thời. Đây là một cách truyền thông, quảng bá hình ảnh rất tốt, cùng với đó là tăng mức độ tiếp cận khách hàng giúp VGT gia tăng doanh thu và thị phần.
Sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân.
Quá trình tạo đáy đang diễn ra
Cổ phiếu VGT đang trong xu hướng giảm từ tháng 2/2018 đến nay. Tính đến đầu năm 2020, cổ phiếu đã sụt giảm khoảng 50% giá trị. Sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ vùng giá 7,500-8,000, giá đã phục hồi và xuất hiện những tín hiệu tích cực.
Đường xu hướng giảm dài hạn đang là kháng cự khá mạnh, Đường này đã tồn tại được gần 2 năm và được test rất thành công vào tháng 07/2019. Vì vậy, nếu cổ phiếu tăng vượt đường này với khối lượng tích cực thì xu hướng giảm có thể bị đảo ngược.
Đường giá VGT đã tăng vượt các đường Moving Average trung hạn (SMA 50 ngày, SMA 100 ngày…). Điều này giúp nâng cao khả năng tạo đáy dài hạn của cổ phiếu.
Nguồn: VietstockUpdater
Phân kỳ dương xuất hiện
Trong giai đoạn di chuyển trong kênh giảm, cổ phiếu tạo các đáy thấp hơn liên tiếp nhau nhưng chỉ báo MACD thì biến động ngược lại và tạo thành tín hiệu phân kì dương (bullish divergence). Tín hiệu ban đầu được xác nhận khi cổ phiếu đã hồi phục sau khi chạm hỗ trợ vùng 7,500-8,000.
Chỉ báo Relative Strength cắt lên trên đường SMA 20 ngày và đạt mức cao nhất trong 3 tháng gần nhất. Điều này cho thấy cổ phiếu hiện tại đang mạnh hơn thị trường chung (outperform). Việc mua vào khi giá về gần vùng hỗ trợ 7,500-8,500 được ủng hộ mạnh mẽ.
Nguồn: VietstockUpdater
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|