Phó giám đốc sở ở Bến Tre nhận hàng trăm triệu đồng tiếp tay cho buôn lậu
Cơ quan tố tụng xác định Công ty Hồng Việt không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhưng vẫn được các lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre tạo điều kiện nhập hàng chục tấn phế liệu để tái chế.
Bị can Đoàn Văn Phúc và Trương Văn Em (áo trắng). Ảnh: Ngọc Lê
|
Ngày 6.2, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố đến 7 bị can liên quan đến vụ án nhập lậu phế thải nhựa.
Các bị can gồm: Đoàn Văn Phúc, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre; Trương Văn Em, nguyên Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre; Trần Thị Thùy Trang và Trần Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng và chuyên viên Phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre, cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
3 bị can còn lại bị truy tố về tội buôn lậu gồm: Dương Tuấn Anh, Hà Chí Đào và Trần Thị Hợp, cùng là nhân viên Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (Công ty Hồng Việt).
Theo cáo trạng. Công ty Hồng Việt được thành lập tháng 11.2014, có trụ sở tại phường 4, quận 4, TP.HCM và cơ sở sản xuất tại xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre, do ông Lê Hữu Thiêm làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh là nhập khẩu, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và một số ngành nghề đăng ký khác. Khi đi vào hoạt động, ông Thiêm giao cho Dương Tuấn Anh quản lý điều hành mọi hoạt động của Công ty.
Mặc dù chưa có dây chuyền tái chế phế liệu, nhưng Trần Thanh Phong vẫn tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện để Trương Văn Em duyệt và trình Đoàn Văn Phúc, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho Công ty Hồng Việt, trái với qui định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15.12.2012 của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Cơ quan tố tụng xác định, các bị can thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre đã nhiều lần đến kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Việt, vẫn biết rõ Công ty này không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để sản xuất, nhưng không thu hồi giấy phép, mà còn soạn thảo 76 thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cho Công ty Hồng Việt.
Đổi lại, các bị can được ông Lê Hữu Thiêm bồi dưỡng hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, bị can Đoàn Văn Phúc đã được hưởng lợi 505 triệu đồng; bị can Em hưởng lợi 6 triệu đồng; bị can Trang hưởng lợi 5 triệu đồng và bị can Phong hưởng lợi 3 triệu đồng.
Từ việc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Công ty Hồng Việt đã đưa vào 2.268 bộ hồ sơ hoàn tất thủ tục nhập khẩu gần 46 tấn nhựa phế liệu và 11 tấn sắt phế liệu. Đồng thời, sử dụng 134,5 tỉ đồng để mua ngoại tệ của ngân hàng thanh toán cho 79 công ty mở tại 22 quốc gia, hưởng số tiền chênh lệch gần gần 59 tỉ đồng.
Trong vụ án này, ông Lê Hữu Thiêm đã mất vì tai nạn giao thông nên cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thái Sơn
Thanh niên