VDSC: Giá bán tôm có xu hướng giảm do dịch virus corona và các nước đồng loạt tăng sản lượng
Ở thời điểm này, chuyên viên phân tích của VDSC cho biết chưa thể ước lượng cụ thể mức độ tác động của dịch bệnh lên giá xuất khẩu toàn cầu nhưng tác động có thể rất đáng kể, xét đến vị thế thị trường tiêu thụ hàng đầu của Trung Quốc và các diễn biến phức tạp của dịch.
Theo chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), sản lượng tôm thế giới phục hồi mạnh từ năm 2017 nhờ thời tiết tốt và diện tích nuôi tăng, bên cạnh các nỗ lực cải cách nuôi trồng mạnh mẽ ở một số quốc gia. Việc dư cung đã tạo áp lực lên giá xuất khẩu.
Giá xuất khẩu năm 2018 và 2019 đã chạm đáy kể từ năm 2014 vào các tháng 6, 7 khi các nước vào mùa thu hoạch vụ nuôi chính. Giá cũng duy trì ở mức thấp đến nay và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét.
Ecuador là nước hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn thế giới dư cung nhờ những cải cách hướng đến chất lượng và tính hiệu quả mà nước này đã thực hiện trong một thời gian dài. Chi phí sản xuất thấp và chất lượng tôm tốt đã tạo lợi thế cạnh tranh cho nước này. Xuất khẩu của Ecuador chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả giá trị và sản lượng, đối nghịch với tình trạng suy giảm của Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam.
Trong số các nước nuôi tôm chính, Ecuador và Việt Nam được Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) dự báo sẽ tăng trưởng sản lượng tốt nhất với tốc độ tăng lần lượt là 10%/năm và 6%/năm trong giai đoạn 2018 – 2021.
Sản lượng tăng tốt tại Việt Nam là kết quả của việc ứng dụng các mô hình nuôi mới như nuôi trong nhà kính, nuôi trong hồ nổi, ứng dụng công nghệ Micro-nano Oxygen... Trong khi ở Ecuador các cải tiến được thực hiện ở tất cả các giai đoạn nuôi tôm: Gia hóa chọn lọc gen của tôm bố mẹ, nâng chất lượng thức ăn nuôi tôm, thay thế thức ăn cho tôm giống trước đây là thực vật thành sinh vật sống nhằm tăng sức sống cho tôm giống, kiểm soát an toàn sinh học, tự động hóa khâu cho ăn, cải cách hệ thống cấp thoát nước và sục khí cho các khu nuôi…
GAA cũng ước tính sản lượng tôm nuôi toàn cầu có thể tăng vọt lên 8 triệu tấn vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 8.5%/năm từ 4.5 triệu tấn năm 2018, trong khi nhu cầu tôm toàn cầu tăng 5%/năm (theo Tổ chức Lương Nông Quốc tế - FAO). Giá bán, theo nhận định của chuyên viên phân tích VDSC, nhiều khả năng sẽ duy trì thấp trong thời gian tới nếu không có thiên tai hoặc dịch bệnh gây thiệt hại trên diện rộng.
Đáng chú ý, phía VDSC đưa ra quan điểm rằng dịch bệnh gây nên bởi virus corona có thể là một yếu tố quan trọng khác kéo giảm giá xuất khẩu tôm toàn cầu.
Cụ thể, Trung Quốc là nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới năm 2019 (theo FAO). Theo phía VDSC, việc hạn chế tập trung đông người và các cơ sở sản xuất ngưng hoạt động sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc.
Ở thời điểm này, chuyên viên phân tích của VDSC cho biết chưa thể ước lượng cụ thể mức độ tác động của dịch bệnh lên giá xuất khẩu toàn cầu nhưng tác động có thể rất đáng kể, xét đến vị thế thị trường tiêu thụ hàng đầu của Trung Quốc và các diễn biến phức tạp của dịch.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa trải qua 2 phiên tăng điểm (tăng 12.86%) liên tiếp 03-04/02. Dù vậy, nếu tính từ thời điểm thị trường chứng khoán mở cửa sau Tết Nguyên Đán đến kết phiên 04/02 thì MPC đã giảm 5.17%.
MPC là doanh nghiệp xuất khẩu tôm với thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật và châu Âu. Hiện, phía MPC chưa có bất kỳ phát ngôn nào về những ảnh hưởng của dịch bệnh gây nên bởi virus corona đối với ngành tôm, hay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thừa Vân
FILI
|