Nỗ lực vượt khó thời dịch bệnh
Bệnh dịch đột ngột ập tới, khó khăn từ nguyên liệu sản xuất, thị trường, cung - cầu cho tới lực lượng lao động... Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực xoay xở.
* 3 ngày không bán được đồng nào, chợ sỉ An Đông đìu hiu mùa dịch Covid-19
* Thị trường hàng hóa nguyên liệu toàn cầu lao đao
* Doanh nghiệp Việt ứng phó với việc thiếu nguyên liệu sản xuất do nCoV
Công nhân Tổng công ty may Đồng Nai tăng cường may khẩu trang phòng chống dịch. Ảnh: Lê Bình
|
Tìm nguồn nguyên liệu thay thế
Ngoài việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhập từ Trung Quốc, DN phải tận dụng tối đa các chính sách của nhà nước như ưu đãi thuế, đồng thời phải chi tiêu tiết kiệm, bố trí lao động hợp lý để giảm giá thành sản phẩm đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương
|
Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên việc nước này hạn chế giao thương để kiểm soát dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc lo lắng không có việc để làm. Thế nhưng theo ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai, trên 2.000 cán bộ công nhân viên công ty mẹ và 7 đơn vị thành viên đã khởi động “vào cuộc khí thế” ngay từ đầu năm. Sau khi nhận được sự chỉ đạo của Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai đã tập trung sản xuất vải không dệt (cung cấp cho các DN may khẩu trang) và trực tiếp sản xuất khẩu trang để phòng chống dịch bên cạnh việc sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
“Hiện nay, công nhân phải tăng ca liên tục 24/24 mới đáp ứng được yêu cầu đơn hàng cho các đối tác. Bình quân mỗi ngày công ty sản xuất 10 tấn vải không dệt cung cấp cho các DN may khẩu trang và sản xuất tại chỗ 30.000 chiếc khẩu trang/ngày để cung cấp ra thị trường”, ông Kích cho hay. Nếu như nhiều DN phải cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Tổng công ty may Đồng Nai hiện có nhu cầu tuyển khoảng 1.200 - 1.500 lao động thời vụ để tập trung sản xuất khẩu trang, hoàn thành đơn hàng dệt may xuất khẩu từ nay đến tháng 6 và đang mở rộng đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất thêm quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế…
“Xin hãy nói ở đây an toàn, không có Covid-19”
Ngày 18.2, UBND TP.Cần Thơ đã có buổi làm việc với các DN trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lữ hành, buôn bán lẻ... để ghi nhận khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Các DN đã đồng loạt kiến nghị thành phố hãy đưa ra slogan “Cần Thơ an toàn, không có Covid-19” để du khách yên tâm nhằm cứu vãn tình hình. Theo đại diện các cơ sở kinh doanh du lịch, lượng khách tham quan trên địa bàn giảm từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN kiến nghị TP.Cần Thơ hỗ trợ về chính sách miễn giảm thuế, vốn vay ngân hàng, các chính sách kích cầu du lịch, bán hàng…
Cùng ngày, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh dịch Covid-19. UBND TP giao Sở KH-ĐT phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp chủ động liên hệ với DN để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để giải quyết; phối hợp sở, ngành khảo sát nhanh các DN trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất để đánh giá tác động; đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho DN nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp tăng trưởng kinh tế xã hội…
Đình Tuyển - Hoàng Sơn
|
Cũng gặp khó khăn về nguyên liệu, các DN cơ điện lại đang nỗ lực tìm thị trường mới. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, cho biết các DN trong Hiệp hội Cơ điện Bình Dương hầu hết nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, chiếm khoảng 30% nguyên liệu đầu vào của các DN. Thế nên hiện nay, hầu hết DN đều đứng trước tình trạng khan hiếm về nguyên liệu nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. Để khắc phục, các DN tại Bình Dương đã linh hoạt tìm nguồn nguyên liệu đầu vào từ châu Âu, các nước ASEAN để không lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
“Để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhập từ Trung Quốc, DN phải tận dụng tối đa các chính sách của nhà nước như ưu đãi thuế, đồng thời phải chi tiêu tiết kiệm, bố trí lao động hợp lý để giảm giá thành sản phẩm đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Trần Thành Trọng nói.
Là một trong những DN sản xuất, chế biến hạt điều được cấp chỉ dẫn địa lý tại Bình Phước, Công ty CP hạt điều Gia Bảo (TP.Đồng Xoài, Bình Phước) cũng không phải là ngoại lệ khi đối diện với khó khăn cả về sản xuất lẫn nguồn nguyên liệu đầu vào do 60% thị phần xuất khẩu của công ty là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này cũng chính là thời gian mà các DN “làm lại” thị trường. Đặc biệt là các thị trường xuất khẩu đang còn tiềm năng lớn như Mỹ, châu Âu...
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP hạt điều Gia Bảo, cho biết dù thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nhưng các đơn hàng tại Đài Loan, Mỹ và châu Âu của công ty vẫn chạy đều. “Chúng tôi đang triển khai kế hoạch, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, với ưu thế đã được cấp chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với mặt hàng hạt điều để tiếp tục mở rộng thị trường tại các nước châu Âu, Mỹ. Qua đó từng bước “thoát” dần sự ảnh hưởng đối với thị trường Trung Quốc mỗi khi có biến động. Hiện hoạt động sản xuất của công ty vẫn đang được duy trì với khoảng trên 70% công suất và chúng tôi tin tưởng sẽ có những đơn hàng mới, sự khởi sắc hơn trong những tháng tới”, ông Sơn lạc quan.
“Vét” nguyên phụ liệu trong nước
Tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng
Bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, cho biết Cục đã tổ chức các đoàn công tác xuống trực tiếp một số DN trên địa bàn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN, qua đó đề xuất kịp thời với Tổng cục Hải quan, Bộ, ban ngành liên quan các phương án và giải pháp hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu (hỗ trợ về chính sách thuế, chính sách quản lý ngành hàng...). Cục Hải quan Đồng Nai cũng tạo mọi điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm thiểu chi phí lưu cont, bãi, vận chuyển..., bố trí cán bộ nghiệp vụ trực ngoài giờ (thứ bảy và chủ nhật) để giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tránh phát sinh các chi phí phạt do trễ hợp đồng giao/nhận hàng với đối tác nước ngoài.
|
Chiều 17.2, bà Thái Trang, chủ Doanh nghiệp may mặc thời trang D&T (Q.8, TP.HCM), cho biết xưởng tạm đóng cửa mấy hôm nay do phải lo chạy tìm mua nguồn vải và phụ liệu để kịp sản xuất đơn hàng mới cuối tuần sau. Xưởng may của bà Trang có gần 100 công nhân, sau tết, tất cả đều quay trở lại xưởng làm việc, nhưng nguyên phụ liệu may mặc có lẽ chỉ đủ dùng hết tháng 2 này. “DN may mặc đang có hai vấn đề khó khăn và khó tính toán nhất trong thời điểm hiện tại. Đó là thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên phụ liệu nên chấp nhận trả tiền cao hơn để “vét” vải tại các chợ sỉ, công ty nhập khẩu. Thứ hai, nguy cơ nuôi cả 100 công nhân ngồi không khi không có nguyên phụ liệu, nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm hằng tháng cả 100 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày xưởng may được hơn 300 sản phẩm, nếu ngưng sản xuất, hàng không có nhưng các chi phí vẫn phải chi đều”.
Hiện vải mua sỉ tại chợ Đại Quang Minh (Q.5, TP.HCM) và chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) theo một số DN may mặc phản ánh là có giá cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với giá ngày thường. Chẳng hạn, vải voan hoa giá ngày thường 60.000 đồng/m, nay 75.000 đồng/m; vải ren thêu trước giá 150.000 đồng/m nay 170.000 đồng/kg nhưng không đủ màu để mua. Các loại phụ liệu như dây kéo, nút, hột đá trang trí... đều tăng giá từ 10 - 15%.
“Giải pháp hiện tại là phải tìm mua nguyên liệu với giá cao, không có đường nào khác. Vải đặt bên Trung Quốc, nhập chính ngạch hàng container vẫn không có hàng. Đường bộ về khó, đường biển hàng chậm hoặc không có hàng do công nhân làm việc về quê ăn tết rồi bị cuốn vào nạn dịch Covid-19. Muốn mua gấp đi đường máy bay, chi phí cao hơn, nhưng cũng không thể được do nhiều hãng bay tạm ngưng vận chuyển từ Trung Quốc về VN”, bà Trang nói thêm và cho rằng, chỉ những đơn hàng bắt buộc phải giao mới chấp nhận mua vật liệu giá cao để làm, còn lại thì không làm mới vì mãi lực thị trường rất thấp.
Có đến 80% nguyên liệu hóa chất phục vụ ngành cao su - nhựa của VN là nhập khẩu từ Trung Quốc, thế nên tìm nguồn thay thế không hề đơn giản. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, cho biết đã có một số hội viên nghĩ hướng nhập hóa chất, linh kiện từ nước khác ở châu Âu hay Hàn Quốc. Thế nhưng, giải pháp đó hoàn toàn không dễ. Phải tìm đối tác mới, lấy mẫu, thử mẫu, đàm phán giá cả... mất một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Nếu là giải pháp tình thế để sản xuất tháng 4 - 5 tới không bị gián đoạn, việc tìm mua nguồn nguyên liệu mới từ thị trường khác lúc này là điều không thể. Nhưng xét về lâu dài, chắc chắn trong hiệp hội nghĩ đến hướng đó và buộc chấp nhận giá nguyên liệu cao hơn 15%.
Ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất, trực tiếp nhất và nhanh nhất từ dịch Covid-19 là du lịch. Lượng khách giảm đột ngột khiến các điểm đến vắng, các ngành dịch vụ hậu du lịch như nhà hàng, khu vui chơi giải trí, thương mại... cũng lao đao. Trong khó khăn, nhiều DN lại xác định, đây là cơ hội “tái cơ cấu” bản thân để chờ cơ hội đột phá sau dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Hòa, Tổng giám đốc Padanus Resort (Mũi Né, Bình Thuận), cho rằng đây là thời điểm khó khăn nhất của các DN làm du lịch. Tuy nhiên, chính những lúc khó khăn này là để DN “tự làm mới chính mình” và “biến các thách thức này thành cơ hội” tái cấu trúc. “Đây là cơ hội để mình tập trung thời gian vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa viên cây cảnh, phòng ốc. Đặc biệt là cơ hội tập huấn nâng cao chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ nhân viên tất cả các khâu...”, ông Hòa nói.
Thanh Niên
Thanh niên