Các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang tồn 567 container trái cây, thép, linh kiện
Bộ Công thương thông tin tính đến ngày 17-2 tại các cửa khẩu thuộc biên giới phía Bắc còn tồn tới 567 container và toa hàng các loại, chủ yếu là nông sản.
Hàng trăm xe container vẫn xếp hàng chờ thông quan ở các cửa khẩu - Ảnh: TTO
|
Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn ở cửa khẩu Hữu Nghị đã thông quan 231 xe nhưng vẫn còn tồn tới 338 xe nông sản, hoa quả như mít, thanh long, ớt, nhãn, linh kiện điện tử xuất khẩu. Cửa khẩu Cốc Nam cũng còn tồn 10 xe gồm hàng tạp hoá, mỹ phẩm; cửa khẩu Chi Ma tồn 4 xe xuất khẩu.
Tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng có 34 toa thép, than điện cực nhập khẩu thì còn tồn 15 toa là hàng nhập khẩu, trong đó 08 toa thép tấm, 07 toa quặng sắt.
Tại tỉnh Lào Cai, có 239 xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành II, nhưng còn tồn đọng khoảng 200 xe trái cây tươi đang chờ xuất.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.
Bộ này cho biết đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị các đơn vị chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác, đồng thời đã có nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có nhiều loại trái cây tươi.
Đặc biệt, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Trong khi thủ tục thông quan xuất khẩu có tiến độ chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Do đó, bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.
Bộ này cho biết đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, đồng thời yêu cầu các địa phương đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
N.AN
Tuổi trẻ