Tăng tốc cung ứng khẩu trang ra thị trường
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, tình hình sản xuất, cung ứng khẩu trang đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội được huy động may khẩu trang. Ảnh: Ngọc Hân
|
Liên quan tình trạng “sốt” khẩu trang y tế, ngày 17.2, lãnh đạo Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (Công ty CP thương mại, dịch vụ tổng hợp Mười; còn được gọi là “chợ thuốc” - ở đường Nguyễn Giản Thanh thuộc P.15, Q.10, TP.HCM) đã có phản hồi về “hiện tượng” mua bán khẩu trang tại đây vào ngày 16.2.
Theo đó, một doanh nghiệp (DN) sản xuất bán khẩu trang cho người dân, khoảng 1.000 suất (sau khi ưu tiên chống dịch cho bệnh viện). Tuy nhiên, từ 2 - 3 giờ ngày 16.2 người dân đã xếp hàng chờ mua.
Có khoảng 5.000 người xếp hàng nhưng chỉ có 1.000 người mua được; số còn lại có nhiều phản ứng tiêu cực bởi có những người nhà xa, chờ đợi lâu phải quay về. “Sắp tới, nếu có DN bán khẩu trang cho bà con, “chợ thuốc” sẽ tổ chức sắp xếp ổn định và DN phải đảm bảo cung cấp 80%, chứ 20 - 30% như ngày 16.2 thì quá ít”, lãnh đạo “chợ thuốc” nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP cũng cạn kiệt nguồn khẩu trang y tế, hoặc chỉ mua được với số lượng rất ít. Hiện các bệnh viện đã có kế hoạch sử dụng khẩu trang cầm chừng.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP, cho biết hiện theo báo cáo từ các bệnh viện, các đơn vị trúng thầu vẫn cung cấp khẩu trang theo hợp đồng. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở cung cấp khẩu trang tăng lên 20% công suất để cung cấp đủ cho bệnh viện và đưa ra thị trường tránh tình trạng khan hiếm.
Các DN cũng cam kết cung cấp đủ cho các bệnh viện, đặc biệt là các khu vực trọng yếu. Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM cho biết đã kết nối các DN sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn cho thị trường trong tháng 2 là 4,5 triệu cái và trong tháng 3 là 2 triệu cái.
Chiều 17.2, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, tình hình sản xuất, cung ứng khẩu trang đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Cụ thể, từ ngày 3 - 16.2, riêng Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn. Từ 17.2 trở đi, các đơn vị thành viên của Vinatex nâng công suất lên 200.000 chiếc/ngày. “Dự kiến đến hết tháng 2, riêng Vinatex sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 - 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn. Và trong tháng 3, tổng số lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc”, vị này cho hay.
Cùng ngày, theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện có 39 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với khoảng 3 triệu khẩu trang/ngày. Trước nhu cầu sử dụng trong dịch Covid-19, các đơn vị đang tăng ca sản xuất cung ứng sản phẩm; đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất mặt hàng này.
Cũng liên quan đến mặt hàng khẩu trang y tế, theo Trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm Hà Nội, từ 3 - 14.2, trung tâm này đã tiếp nhận kiểm nghiệm 51 mẫu khẩu trang y tế của sở y tế các tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang và Cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi đến. Qua kiểm nghiệm đã phát hiện 6 mẫu không đạt về chất lượng. Vi phạm chủ yếu là nhà sản xuất thay lớp màng vi lọc có tác dụng lọc vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn bằng lớp màng giấy.
Không riêng gì Covid-19, thời điểm này cũng là tác nhân của các bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân như: cúm, sởi… Việc sử dụng các chất liệu không bảo đảm để sản xuất khẩu trang y tế dễ khiến người sử dụng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe do nhiễm độc từ các chất liệu không đảm bảo.
Thanh Niên
Thanh niên