Ngành dệt may: Khó khăn bủa vây
13 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đã có kết quả kinh doanh năm 2019, với bức tranh buồn nhiều hơn vui.
Năm 2019: Lợi nhuận giảm, cổ phiếu lao dốc
Đa số doanh nghiệp dệt may niêm yết có lợi nhuận sau thuế (LNST) 2019 giảm so với năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp có LNST giảm mạnh nhất là Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) với mức giảm gần 91%, trong khi doanh thu tăng hơn 41% so với năm trước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến LNST giảm như giá vốn hàng bán tăng cao; doanh thu hoạt động tài chính giảm do vào năm trước, Công ty thu từ chuyển nhượng cổ phần.
Dữ liệu thống kê của Vietstock cũng cho thấy, chỉ có 5 doanh nghiệp có LNST 2019 tăng so năm trước là Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT), Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), May Sông Hồng (HOSE: MSH), Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) và Everpia (HOSE: EVE), với mức tăng lần lượt hơn 29%, 28%, 22%, 20% và 1%.
Năm 2019, số mã cổ phiếu (CP) dệt may giảm giá nhiều hơn số mã tăng giá. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là MPT, mất gần 57% giá trị. Các mã tăng giá có STK (tăng gần 30%), TVT (tăng gần 20%), MSH (tăng gần 18%), X20 (tăng hơn 14%) và TNG (tăng gần 8%).
Theo Công ty Chứng khoán (CTCK) SSI, cổ phiếu ngành dệt may giảm 2.8% trong năm 2019 – thành tích đi lùi so với mức tăng của VN-Index.
Nhiều cổ phiếu hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2019 nhờ kết quả kinh doanh đáng khích lệ, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng trong nửa cuối năm 2019, Nhân dân tệ mất giá, nhu cầu sợi từ Trung Quốc sụt giảm khiến các nhà máy sản xuất sợi phải bán phá giá, hàng may mặc của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế khiến đơn hàng sụt giảm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD, thấp hơn so với kế hoạch 40 tỷ USD, và tăng 7.3% so năm trước - thấp hơn mức tăng trưởng hai con số trong 2 năm qua.
Khó khăn tiếp diễn trong năm 2020?
Năm 2020, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD (tăng 7.7% so với năm trước) và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo CTCK Phú Hưng, trước áp lực về quy tắc xuất xứ của EVFTA và CPTPP, để được hưởng lợi về thuế, ngành dệt may phải đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm... nhằm chủ động nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, một số địa phương e ngại việc xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu, đặc biệt hóa nhuộm, sẽ gây ô nhiễm môi trường, nên không cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ, trong khi 2 yếu tố này không bền vững. Chi phí lao động ngày càng tăng khiến hàng dệt may Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh so với Bangladesh, nhiều đơn hàng có xu hướng chuyển sang Bangladesh, dẫn đến doanh nghiệp thiếu đơn hàng nghiêm trọng. Hơn nữa, năng suất lao động bình quân của Việt Nam trong ngành dệt may chỉ đạt 11,000 USD/người, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia và Philipines.
Ngoài ra, những rủi ro tiềm ẩn của các biện pháp trả đũa ở vòng 2, vòng 3 của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động lớn và diễn ra với tốc độ nhanh tới ngành dệt may bởi Việt Nam nhập khẩu vải lên tới gần 12 tỷ USD/năm từ Trung Quốc, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa may mặc chiếm tỷ trọng 48-50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một vấn đề đang nóng sốt toàn cầu hiện nay là dịch cúm corona đang bùng phát. Mặc dù CTCK SSI đánh giá dịch virus không có tác động trực tiếp đến nhu cầu sản phẩm may mặc, vì hầu hết công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng.
Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Ở khía cạnh tích cực, theo CTCK SSI, là tăng trưởng xuất khẩu có thể được đẩy nhanh khi các đơn hàng tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt ở các thị trường mới được hưởng lợi từ CPTPP như Canada và Úc.
Gia Nghi
FILI
|