Doanh nghiệp ngành dược làm ăn ra sao năm 2019?
Kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp dược phẩm niêm yết có bước tiến trong quý 4 khi không có doanh nghiệp nào thua lỗ. Tổng lãi ròng của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2019 đạt hơn 2,200 tỷ đồng, tăng trưởng 5.5% so với năm trước.
Mấy ngày gần đây, nhiều cổ phiếu dược phẩm bật tăng trong những phiên đầu năm Canh Tý, do ảnh hưởng dịch cúm vi rút Corona đang bùng phát dữ dội.
Kết quả khả quan trong quý 4/2019
Theo thống kê của Vietstock, trong quý 4/2019, 18 doanh nghiệp dược niêm yết đã tạo ra hơn 10,605 tỷ đồng doanh thu thuần và mang về hơn 718 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng trưởng gần 20% và 24% so với quý 4/2018.
Có 10 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận so cùng kỳ, 4 doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và 4 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi.
Kết quả kinh doanh quý 4/2019 của các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết. Đvt: Tỷ đồng
|
Dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng là Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL), doanh nghiệp này đạt tới gần 87 tỷ đồng lãi ròng trong quý, tăng 1,335% so với quý 4 năm trước. Phía DCL cho biết lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 4/2019 của Công ty mẹ tăng hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận gộp hơn 40 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính của DCL cũng tăng gần 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do chênh lệch tỷ giá giảm, lãi tiền gửi tăng và hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào công ty con là Euvipharm.
LNST của các công ty con sau khi trừ giao dịch nội bộ làm tăng LNST trên báo cáo hợp nhất số tiền gần 46 tỷ đồng, chủ yếu do DCL thực hiện thoái vốn khỏi Euvipharm (ngày 12/11/2019).
Kế hoạch thời gian tới, phía DCL dự kiến chi 260 tỷ đồng mở rộng nhà máy sản xuất capsule. Theo đó, dự kiến công suất mỗi năm của nhà máy sản xuất capsule sẽ được lần lượt nâng từ 5.5 tỷ nang lên thành 7.9 tỷ nang (giai đoạn 4, quý 2/2020) và 10.3 tỷ nang (giai đoạn 5, năm 2021).
Ban lãnh đạo DCL cũng đã thông qua chủ trương đầu tư Nhà máy vật tư y tế với công suất 480 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến, tổng vốn đầu tư là 231 tỷ đồng, thời gian thực hiện vào quý 2/2020 và hoàn thành vào quý 1/2021. Nhà máy mới dự kiến tọa lạc tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh, PPP, IMP và PME là các doanh nghiệp có mức tăng trên 19%.
Với Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP), Công ty này đã tiếp tục mở rộng thị trường trong quý 4/2019, kết thúc các chương trình bán hàng dẫn đến doanh thu thuần tăng 26% so cùng kỳ. Hơn nữa, Công ty còn cho biết đã thực hiện cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và biên lợi nhuận cao nên lãi gộp tăng 34% so cùng kỳ lên mức 189 tỷ đồng. Theo đó, IMP đạt kết quả tăng trưởng 32% về lãi ròng quý 4/2019, đạt gần 52 tỷ đồng.
4 doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi trong quý cuối năm 2019 bao gồm DBD, DBT, TRA, OPC. Trong đó, 2 doanh nghiệp kinh doanh đông dược là Traphaco (HOSE: TRA) và Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) có mức giảm lớn nhất, lần lượt với 13% và 23%.
Trong quý 4/2019, có 4 doanh nghiệp đã chuyển từ lỗ sang lãi, gồm LDP, VMD, DP3 và MKV nhưng điều đáng mừng là không có đơn vị nào báo lỗ trong quý cuối năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Dữ liệu thống kê của Vietstock cũng cho thấy, ngành dược niêm yết trong năm 2019 tạo ra 37,038 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 2,213 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 11% và 5.5% so với năm 2018.
Dẫn đầu đà tăng là DCL khi lãi ròng cả năm 2019 gấp 7 lần năm trước. Trong khi đó, quán quân về lợi nhuận của ngành dược vẫn thuộc về ông lớn Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) bất chấp kết quả này đi lùi so với năm 2018.
Cụ thể, Công ty mang về gần 3,897 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1,712 tỷ đồng lãi gộp, xấp xỉ cùng kỳ. DHG đạt lãi ròng hơn 635 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2018. Kết quả này chủ yếu do chênh lệch giảm gần 16 tỷ đồng ở khoản mục lợi nhuận khác.
Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2019 của các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết. Đvt: Tỷ đồng
|
Năm 2019, đa số các doanh nghiệp ngành dược đã đặt kế hoạch thận trọng thậm chí đi lùi so với thực hiện năm trước. Có doanh nghiệp còn điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như trường hợp của Traphaco, doanh nghiệp này điều chỉnh doanh thu giảm 14% và LNST giảm 17% so với kế hoạch ban đầu.
Với kết quả khả quan hơn vào 2 quý cuối năm, tổng cộng có 10/17 doanh nghiệp dược niêm yết đã hoàn thành kế hoạch đề ra. LDP xuất sắc nhất khi vượt kế hoạch lợi nhuận tới 179%. Theo đó, LDP đã chuyển kết quả kinh doanh từ lỗ 20 tỷ đồng trong năm trước thành lãi gần 10 tỷ đồng trong năm nay. Còn Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3) đã sớm hoàn thành kế hoạch từ quý 2/2019.
Cổ phiếu dược bật tăng nhờ …vi rút Corona?
Điểm lại năm 2019, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dược chứng kiến diễn biến trái chiều với 10 mã tăng và 8 mã giảm giá.
Tăng trưởng mạnh nhất chính là DCL khi đã tăng gấp đôi trong năm 2019. Đà tăng của DCL tập trung chủ yếu vào quý 1 và quý 4/2019, đồng thuận với mức tăng thanh khoản. Trong khi đó, dù thể hiện mức tăng giá 154%, song khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu PPP rất thấp, đạt chưa tới 500 đơn vị/phiên.
Mã đầu ngành DHG thể hiện mức tăng hơn 18% về giá trong năm 2019. Đà tăng của cổ phiếu này chủ yếu rơi vào giai đoạn đầu năm, trước thông tin Taisho Pharmaceuticals ráo riết muốn nâng sở hữu tại đây lên 51%.
Ở chiều ngược lại, 4 cổ phiếu có mức giảm giá trên 10% gồm IPM, LDP, MKV và PME. Nhìn chung, đa số các cổ phiếu ngành dược có thanh khoản khá thấp trong năm 2019. Điều này dễ hiểu khi đây là ngành mang tính phòng thủ, không phải là sự lựa chọn yêu thích của dòng tiền đầu cơ.
Tình hình giá cổ phiếu các doanh nghiệp dược niêm yết trong năm 2019
|
Song, trong những ngày gần đây, hàng loạt cổ phiếu ngành dược bật tăng kể từ những phiên đầu tiên của năm Canh Tý (bắt đầu giao dịch từ 30/01/2020), ví dụ như cổ phiếu DHG, DHT, DMC,... Diễn biến tích cực này thể hiện kỳ vọng về nhu cầu dược phẩm, y tế cao đột biến trong bối cảnh dịch cúm vi rút Corona bùng phát.
Theo phân loại của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) trong Báo cáo “Tác động của vi rút Corona” xuất bản ngày 31/01/2020, các doanh nghiệp dược phẩm có thể hưởng lợi nhờ sản phẩm kháng sinh gồm DHG, DHT, IMP…; hưởng lợi nhờ sản phẩm sát trùng gồm DBD, OPC…
Nhìn chung, các doanh nghiệp bán hàng qua kênh OTC có tỷ trọng sản phẩm liên quan sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng lên.
Hình minh họa
|
Mặt khác, trong ngắn hạn, dòng tiền đang có xu hướng rút khỏi các mã chứng khoán mang tính thị trường cao cũng như các ngành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch cúm này, như hàng không, du lịch, chứng khoán, bất động sản, thủy sản, dầu khí, dệt may…
Duy Na
FILI
|