Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore chật vật vì COVID-19
Dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đang là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế châu Á. Trong khi Trung Quốc đã đề ra biện pháp giải vây cho doanh nghiệp, Singapore và Nhật Bản cùng đối diện với nguy cơ tăng trưởng suy giảm.
* Singapore bơm tiền ngăn kinh tế rơi vào suy thoái
* Kinh tế Trung Quốc 'như châu Âu thời trung cổ'
* Tổng Giám đốc IMF: COVID-19 sẽ chỉ tác động nhẹ đến kinh tế toàn cầu
Hành khách được đưa tới sân bay Haneda của Tokyo hôm 17-2, sau khi xuống khỏi du thuyền Diamond Princess tại Yokohama, Nhật Bản - Ảnh: AFP
|
Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi được coi là tâm điểm của dịch bệnh, đường sá, doanh nghiệp và nhà xưởng vẫn tiếp tục đóng cửa, chỉ chừa lại các dịch vụ thiết yếu.
Trên toàn Trung Quốc, nhiều nhà máy cũng không tránh khỏi tình trạng này, kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Tổ chức xếp hạng Moody đã hạ dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 5,7% xuống còn 5,2% trong năm 2020.
Trong khi đó, ngày 17-2, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 0,7% sau khi Tokyo công bố số liệu kinh tế chính thức. Cụ thể, GDP của Nhật Bản đã suy giảm 6,3% trong giai đoạn từ tháng 10-2019 đến tháng 12-2019 - tốc độ giảm nhanh nhất trong vòng 6 năm, kể từ quý II-2014.
Các chuyên gia lo ngại COVID-19 sẽ tiếp tục là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất. Giới quan sát cho rằng dịch bệnh có thể khiến nhà tổ chức giới hạn số lượng tham gia sự kiện Tokyo Marathon diễn ra vào tháng 3.
Tương tự, Singapore hôm 17-2 đã chủ động hạ dự đoán tăng trưởng cho năm 2020 giữa bão COVID-19. Đảo quốc này là một trong những quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, không tính Trung Quốc.
Theo Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm nay. Singapore đồng thời hạ dự đoán tăng trưởng GDP vào khoảng -0,5% và 1,5%, so với kỳ vọng 0,5-2,5% trước đó.
Theo Reuters, Singapore dự tính công bố các biện pháp giới hạn tác động của dịch bệnh vào ngày 18-2. Trung Quốc hôm 16-2 cũng đề ra kế hoạch giảm thuế và chi tiêu theo giai đoạn nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời khó khăn.
NGUYÊN HẠNH
Tuổi trẻ