Hàng loạt chính sách 'giải cứu' ô tô nội, giá xe sắp tới có biến động?
1 trong 3 chính sách được thông qua và 2 chính sách đang được chờ đợi. Nếu Chính phủ thông qua chắc chắn thị trường xe Việt sẽ có những năm sắp tới đầy thay đổi, khó lường.
* Quy định thay đổi, ô tô nhập ồ ạt tràn vào, giá giảm sâu hơn
* Linh kiện đắt gấp 3 lần Thái Lan, ô tô Việt quá khó để giảm giá
* 2020, xe nội địa đồng loạt giảm giá, tha hồ chọn mua ô tô
Chính sách nhập xe hơi được gỡ một phần
Ngày 5/2 được xem là ngày vui của giới nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam khi quy định kiểm tra kiểu loại theo lô được huỷ bỏ, thay vào đó đối với ô tô nhập khẩu, được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận, thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra thử nghiệm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.
Một trong những chính sách xe nhập được tháo gỡ, có thể khuyến khích tăng lượng xe về Việt Nam
|
Quy định của Nghị định 17/2020/NĐ-CP nêu rõ tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng. Như vậy đánh giá xe kiểu loại không theo từng lô như Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Điều này có nghĩa, các xe cùng loại nhập về Việt Nam từ các nước có quản lý theo phương pháp tự chứng nhận (doanh nghiệp ô tô tự chứng nhận) sẽ không phải kiểm tra theo từng lô ở Việt Nam, chỉ kiểm tra kiểu loại, tần suất tối đa 3 năm.
Đây được xem là việc cởi bỏ phần nào đó khó khăn lớn cho các hãng xe nhập khi họ than thở gặp không ít khó khăn, tốn kém do liên tục phải kiểm tra kiểu loại xe hơi dù có cùng mẫu, đời và trong khoảng thời gian nhập khẩu.
Tuy nhiên, khá nhiều quy định vẫn chưa được cởi bỏ như chứng nhận kiểu loại xe, điều này có nghĩa các doanh nghiệp nhỏ, không có chứng nhận kiểu loại vẫn không thể nhập được xe.
Mặc dù vậy, việc cởi bỏ này cũng là tín hiệu tốt, giúp lượng xe nhập về có thể nhiều hơn trước do các hãng xe đẩy nhanh được thủ tục nhập xe. Điều này cũng khiến các hãng xe không thể “đổ thừa” cho việc tăng giá, giữ giá xe do quá trình thông quan, kiểm tra mất thời gian, tốn kém như đã từng xảy ra.
Như vậy, nếu ngày 22/3, khi Nghị định 17/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, lượng xe nhập về nhiều hay ít đều do các doanh nghiệp tự cân đối, khó khăn sẽ không còn do từ phía chính sách, pháp luật nữa.
Ngoài Nghị định 17/2020 chính thức cởi trói cho các doanh nghiệp nhập xe hơi thì hiện có hai chính sách hỗ trợ hay nói cách khác là giải cứu xe nội được các Bộ xây dựng, trình Chính phủ quyết định trong năm 2020.
Chờ Chính phủ “giải cứu” 2 chính sách thuế
Cụ thể, mới đây, Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng Dự thảo Nghị định Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ.
Theo đó, Bộ này đề xuất đề xuất xây dựng thuế Tiêu thụ đặc biệt theo diện "áp dụng có thời hạn từ 5 đến 10 năm, trong đó, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước với ô tô".
Xe trong nước đang đứng trước cơ hội lớn được chính sách của Nhà nước "giải cứu" trước khi mở cửa với các đối thủ quá sức, quá tầm từ EU vào năm 2029 và 2030
|
Đặc biệt, "điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện".
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xây dựng kế hoạch "Điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số các dòng xe áp dụng ở mức hợp lý".
Ở đây có thể là thuế tăng đối với xe hơi có dung tích xy-lanh cao hơn, xe tiêu hao nhiên liệu, xe sử dụng động cơ dầu hoặc xăng... để khuyến khích các dòng xe sử dụng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, xe xanh, xe điện.
Đặc biệt, một chính sách khác cũng được Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ là sửa đổi Nghị định 125 về thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô tại Việt Nam theo đó cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cắt giảm, loại bỏ đối với linh kiện sản xuất tại Việt Nam.
Đồng thời, sẽ giảm thuế nhập khẩu linh kiện đối với các doanh nghiệp lớn, sản xuất xe đủ sản lượng riêng và chung tối thiểu để giảm chi phí, tăng cạnh tranh cho xe trong nước.
Cả hai chính sách mà Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xây dựng đều đánh trúng và đúng điểm nghẽn lớn nhất mà xe trong nước đang gặp phải là: nhập khẩu chủ yếu linh kiện, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lớn, khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành cao hơn xe nhập được bỏ thuế.
Mặc dù cả hai chính sách trên đều là Nghị định, dưới Luật, song việc thay đổi sẽ tác động lớn đến ngân sách, nguồn thu và số thu của Ngân sách Nhà nước.
Chính vì vậy, trường hợp được Chính phủ phê duyệt cũng cần được Quốc hội sửa đổi tại một số luật liên quan (Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật về phí và lệ phí…) trước khi chính thức được ban hành và hướng dẫn thực hiện. Trường hợp sớm nhất có thể quý 4 hoặc sang năm 2021 mới có thể đi vào thực tế.
Nếu trường hợp xấu, có thể các đề xuất chính sách trên sẽ tiếp tục bị đình hoãn năm thứ 3 liên tiếp và các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam vừa đối mặt với áp lực mở cửa thị trường vừa chịu gánh nặng chi phí do không có lợi thế quy mô như các nước Thái Lan, Indonesia.
Nguyễn Tuyền
Dantri
|