Thứ Tư, 12/02/2020 09:39

EU chọn gà hay chọn ôtô?

Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đến lúc đàm phán nghiêm túc về một thỏa thuận thương mại với EU. Bất đồng lớn cản trở hai bên liên quan đến nông nghiệp.

* D.Trump: Đã đến lúc Mỹ phải đàm phán 'nghiêm túc' với EU về thương mại

* Anh hy vọng mở đàm phán thương mại với Mỹ trước khi thương thảo với EU

* Mỹ-Trung nhất trí đàm phán 6 tháng 1 lần để giải quyết tranh cãi

EU chọn gà hay chọn ôtô? - Ảnh 1.
Hầu hết thịt gà Mỹ đã qua khâu vệ sinh bằng dung dịch clo (chlorine) hoặc các chất khử trùng khác trong khi EU đã cấm từ năm 1997 - Ảnh: AFP

Tôi không chắc chúng ta sẽ tìm được thỏa thuận (với Mỹ), nhưng hãy chờ xem. Vâng, tôi nghĩ mục tiêu của chiến lược đàm phán tất nhiên là xoa dịu tình hình và có lẽ là kéo dài thời gian.

Ông BERND LANGE (chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu)

Phát biểu trong cuộc họp với các thống đốc tiểu bang của Mỹ tại Nhà Trắng hôm 10-2 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump than phiền "châu Âu đối xử với chúng ta rất tệ", thâm hụt lớn giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) đã kéo dài 10-12 năm qua và EU đã dựng "rào cản hải quan không thể tin được". 

Ông tiếp tục kêu gọi EU mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản.

Ý tưởng thiết lập quan hệ đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương ra đời trong những năm 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ. 

Mỹ và EU đã ký nghị quyết xuyên Đại Tây Dương đầu tiên nhằm chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ và mở cửa thị trường. Song cuối năm 2016, đàm phán đã bị đóng băng.

Quan hệ thương mại Mỹ - EU trở nên căng thẳng sau khi ông Trump lên cầm quyền với các cam kết mang tính chất bảo hộ mậu dịch. 

Thương chiến Mỹ - EU bùng nổ song song với thương chiến Mỹ - Trung. Căng thẳng leo thang vào năm 2018 khi ông Trump đòi áp thuế bổ sung đối với ôtô châu Âu. 

Tháng 7-2018, ông Jean-Claude Juncker - chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) lúc bấy giờ - đã trao đổi với ông Trump và hai bên đồng ý khởi động lại đàm phán thương mại.

EU muốn đàm phán hàng công nghiệp

Ngày 15-4-2019, các nước thành viên EU đã ủy nhiệm cho EC mở vòng đàm phán thương mại mới với Mỹ. 

Hội đồng châu Âu yêu cầu EC đàm phán hai thỏa thuận: một hiệp định thương mại về loại bỏ thuế hải quan đối với hàng công nghiệp và một hiệp định về loại bỏ một số hàng rào phi thuế quan đối với thương mại thông qua hợp tác pháp lý.

Nội dung đàm phán trước đây bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế trong khi khuôn khổ đàm phán mới lần này chỉ giới hạn hai vấn đề gồm loại bỏ thuế đối với hàng công nghiệp và tiếp cận về pháp lý. 

Các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ hoặc mua sắm công đều bị loại vì có quá nhiều khác biệt. EC còn bị ràng buộc rằng nếu thuế của Mỹ đối với thép và nhôm EU còn hiệu lực, sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết. 

Ngoài ra, EU có thể đơn phương chấm dứt đàm phán nếu Mỹ áp thuế mới đối với hàng châu Âu.

Nếu đàm phán thành công, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử, chiếm đến 45,5% GDP thế giới. 

Với quyết định nối lại đàm phán, EU hi vọng đến năm 2033 sẽ tăng 10% khối lượng thương mại với Mỹ để đạt giá trị đến 53 tỉ euro. 

Song, các ý kiến phản đối như Pháp lại chỉ trích nếu có TTIP, luật pháp EU về xã hội, môi trường và y tế sẽ giảm hiệu lực.

Mỹ lại đòi đàm phán nông nghiệp

Tìm kiếm một giải pháp "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" giữa Mỹ và EU xem ra khá phức tạp. EU muốn bảo vệ ngành công nghiệp ôtô trong khi ông Trump khăng khăng đòi đưa nông nghiệp vào khuôn khổ đàm phán thương mại.

Nông nghiệp luôn là vấn đề nhạy cảm đối với EU, bằng chứng là EU đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm như thịt bò đã qua xử lý bằng hormone tăng trưởng hoặc thịt gà được rửa bằng dung dịch clo (chlorine). 

Hôm 27-1 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã nhắn nhủ thông điệp với EU: Nếu bạn muốn tránh thuế cho ôtô của bạn, bạn phải chấp nhận gà khử trùng bằng clo của chúng tôi. 

Khổ nỗi, một số nước thành viên EU lại dị ứng với đề nghị của Mỹ vì lo sợ xảy ra biểu tình rầm rộ như hồi năm 2015 ở Đức, Áo và Pháp.

Sau cuộc hội kiến với ông Trump hôm 22-1 trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), bà chủ tịch EC Ursula von der Leyen bất ngờ tuyên bố: "Chúng tôi hi vọng trong vài tuần nữa sẽ đạt một thỏa thuận mà chúng tôi có thể ký với nhau". 

Giới phân tích dự báo bà chủ tịch EC sẽ sớm đến Washington và có thể sẽ ký một tuyên bố chính trị với ông Trump. Còn về mặt kỹ thuật, một thỏa thuận thương mại song phương quan trọng không thể kết thúc trong vài tuần như bà tuyên bố.

HOÀNG DUY LONG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Virus corona đáng sợ hơn thương chiến Mỹ - Trung (12/02/2020)

>   Mỹ đơn phương xóa bỏ các ưu đãi của WTO với nhiều nước đang phát triển (12/02/2020)

>   Mặt trái khi kinh tế toàn cầu phụ thuộc Trung Quốc (11/02/2020)

>   'Đừng hi vọng kinh tế Trung Quốc sớm phục hồi sau dịch virus Vũ Hán' (11/02/2020)

>   D.Trump: Đã đến lúc Mỹ phải đàm phán 'nghiêm túc' với EU về thương mại (11/02/2020)

>   Phát hiện mới: Thời gian ủ bệnh của virus Corona mới lên đến 24 ngày (11/02/2020)

>   Dịch do nCoV có thể làm GDP của Nhật Bản mất 1.000 tỷ yen (11/02/2020)

>   Chính quyền Mỹ công bố ngân sách năm 2021 trị giá 4,8 nghìn tỷ USD (11/02/2020)

>   Các công ty Internet phất lên trong mùa dịch (11/02/2020)

>   Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc 'quá giàu' không cần vay tiền để chống virus Corona (11/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật